Tại buổi làm việc, ông
Hồ Công Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận cho biết: Những năm qua,
thực hiện Luật HTX năm 2012, tình hình kinh tế tập thể, HTX của tỉnh đã có bước
phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các HTX thành lập ngày càng nhiều, với
nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau; chất lượng hoạt động ngày càng được đổi
mới, đã từng bước tổ chức tốt hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
năng động hơn trong cơ chế thị trường.
Tính đến tháng 5/2021,
toàn tỉnh có 25 quỹ tín dụng nhân dân, 176 HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh
tế với nguồn vốn hoạt động trên 3.000 tỷ đồng, thu hút hơn 50.000 thành viên
tham gia. Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã có hơn 30 HTX tham gia vào các chuỗi
liên kết để tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm của HTX đã
được đánh giá sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các
HTX còn đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng
nông thôn mới, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và góp
phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số HTX đã chủ động
tham gia các chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi
lúa nếp của HTX Công Thành Đức Linh, chuỗi thanh long của các Hợp tác xã thanh
long: Thuận Quý, Hàm Đức, Thuận Tiến, HTX Hòa Lệ, chuỗi lúa gạo của các HTX
nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Linh, Tánh Linh…
Tuy nhiên, tình hình
hoạt động của kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết
các HTX đều ở quy mô nhỏ, vốn góp của thành viên phần lớn là vốn danh nghĩa,
việc huy động tăng vốn góp của thành viên rất khó khăn, năng lực cạnh tranh
kém. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phầm
còn yếu. Khả năng tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đối với các HTX
rất khó khăn…
Phát biểu tại
buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá: kinh tế tập thể của tỉnh đang tiếp
tục phát triển. Thanh long, thủy sản và du lịch là những sản phẩm chủ lực của
tỉnh. Hiện nay, lợi ích mà HTX mang lại cho thành viên khá lớn. Do đó, để các
HTX trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa, phải kiên quyết giải thể những HTX
yếu kém, và phát triển HTX theo hướng chất lượng, quy mô, không nên chạy theo
số lượng. Tập trung xây dựng những chuỗi cung ứng cây trồng, vật nuôi thế mạnh
của tỉnh, trong đó HTX phải là đầu mối cung ứng nguyên vật liệu. Ngoài ra, UBND
tỉnh cần tham mưu tích hợp tất cả các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn
mà đối tượng HTX được hưởng vào thành 1 chính sách, từ đất đai, đến đầu tư, xúc
tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các mô
hình theo chuỗi... Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ đẩy mạnh xúc tiến
thương mại đầu tư, kết nối cung cầu, thành lập các liên đoàn HTX chuyên ngành
theo từng lĩnh vực. Xây dựng sàn giao dịch điện tử HTX, đưa tất cả hàng hóa của
HTX đủ tiêu chuẩn lên sàn thương mại để tăng cường kết nối cung cầu cho HTX.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
cảm ơn đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đối
với hoạt động của các HTX. Đồng thời, nhấn mạnh, hiện nay, Bình Thuận là một trong
số ít các địa phương chưa thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, điều này
cũng là một trong những hạn chế trong việc hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn.
Thời gian đến, UBND tỉnh sẽ sớm chỉ đạo Liên minh HTX và các ngành có liên quan
tham mưu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Nhân dịp này, UBND
tỉnh cũng mong muốn Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho
kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh từ nguồn lực của Trung ương thông qua
các chương trình hỗ trợ phát triển HTX. UBND tỉnh sẽ bám sát sự chỉ đạo
của Trung ương, của Chính phủ để triển khai phù hợp với thực tiễn của địa
phương, nhằm hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa.
Được biết, sáng nay
đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tại một số HTX, quỹ tín dụng nhân dân trên
địa bàn tỉnh.
Minh Vân