• Du lịch Bình Thuận
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chuyển đổi số trong Hợp tác xã: Nhìn từ xu thế hiện đại
Lượt xem: 1514
Bài 1: Thành tựu nhờ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực HTX
Đối với hợp tác xã (HTX), chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình hệ sinh thái liên kết hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh và mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn. Thông qua đó, mỗi thành phần kinh tế sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.

Ứng dụng quét mã truy xuất nguồn gốc nông sản (Ảnh: PV)

Nhờ chuyển đổi số, đã xuất hiện nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX trong cả nước thời gian qua, đặc biệt trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 căng thẳng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, nhiều HTX tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường. Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến như: Có website riêng để giới thiệu sản phẩm (38,9%); bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee,… (20,8%); quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang quảng cáo (50,5%); bán hàng theo hình thức trực tuyến livetream trên các nền tảng số như Facebook, Tiktok… (28,3%).

Cùng với đó, nhiều HTX nông nghiệp, đặc biệt những HTX có nguồn nhân lực quản lý và lao động trẻ đã thích ứng; tích cực trong nâng cao năng lực, đầu tư kinh phí, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua đổi mới hệ thống quản trị gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý (kế toán, quản lý sản xuất của các thành viên), chuyển đổi số trong quản lý tổ chức sản xuất từ đầu vào tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao (tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến cà phê ướt,...), sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGap,...); tiêu thụ sản phẩm thông qua phương thức thương mại điện tử (facebook, zalo, fanpage, group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,... ), bán hàng điện tử của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (Liên minh HTX Việt Nam và 63 Liên minh HTX các tỉnh, thành phố) .

Đặc biệt, đã tích cực ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi như: Kiểm soát sinh trưởng, phòng ngừa sâu bệnh bằng máy bay phun thuốc (Drone); sử dụng hệ thống, thiết bị tưới nước, bón phân, cho ăn, uống nước... tự động, bán tự động cho cây trồng, vật nuôi; sử dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh; áp dụng nhật ký canh tác điện tử hoặc lắp đặt máy quay giám sát lưu lại hình ảnh, video ghi lại nhật ký quá trình canh tác, sử dụng phần mềm điều khiển từ xa vận hành tự động hệ thống tưới nước, phân bón, điều tiết môi trường tại nhà kính, thu thập xử lý dữ liệu, tích hợp các công nghệ, cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng nông sản, vật nuôi.

Tiêu biểu như HTX Thành Công (Quảng Trị) với công nghệ làm mát tự động trong chăn nuôi lợn, trồng rau thủy canh; mô hình "cây xoài nhà tôi" tại tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng CNTT giúp kết nối HTX với khách hàng, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội). HTX Trường Anh, Lộc Rừng, Thắng Lợi,… (Cao Bằng); HTX nông sản hữu cơ Trúc Phương (Thanh Hóa); HTX nuôi trồng thủy sản Thăng Long (Hải Dương); HTX công nghệ cao Kim Long (Bình Dương); HTX Sunfood (Đà Lạt); HTX Nông ngư 14/10 (Sóc Trăng) nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC với sản lượng 160 tấn, xuất khẩu sang châu Âu.

Đáng chú ý, nhiều loại hình HTX phi nông nghiệp trước, trong và sau dịch bệnh COVID-19 theo yêu cầu thị trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có định hướng đầu tư chuyển đổi số mạnh theo xu hướng và yêu cầu của thị trường. HTX phi nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng một số giải pháp sử dụng ứng dụng chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng; HTX lĩnh vực giao thông vận tải đầu tư máy quay, thiết bị, sử dụng phần mềm để quản lý hành trình, khách hàng và vận đơn hàng hóa, và tích hợp thanh toán tự động không dừng; HTX lĩnh vực thương mại đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị ứng dụng phần mềm bán hàng, quản lý nhập, xuất hàng hóa và bán hàng; Ngân hàng HTX và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động và cung ứng dịch vụ tới khách hàng như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên; phát triển hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

 Xu thế chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay đã thực sự cấp thiết (Ảnh tư liệu)

Ngoài ra, các HTX ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng các nền tảng ứng dụng, phần mềm kế toán, khai báo thuế (bảng tính Excel, MISA...); quản lý dữ liệu chính của HTX bằng các tệp máy tính có định dạng chữ (.doc, .txt), hình ảnh (.png, .jpg), âm thanh (.mp3), video, phim (.mp4); trao đổi thông tin qua các ứng dụng gửi thư, tin nhắn như email, zalo, messenger, viber,...; quản trị hoạt động của HTX trong từng khâu riêng lẻ như nhân sự, mua bán, chi tiêu, quản lý đầu vào, đầu ra, hoạt động sản xuất...

Nhiều HTX được quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu; tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm; đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số (internetbanking), mobile money; sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán của HTX.

Việc ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các phần mềm quản lý thường được các HTX sử dụng chính trong quản lý hoạt động sản xuất (chiếm 74,8%); và quản lý đối với các khâu đầu vào (52,7%) và đầu ra (46,9%) của quá trình sản xuất. Trên 65% HTX được khảo sát cho biết có sử dụng các ứng dụng liên lạc như Zalo, Viber… hoặc phần mềm quản lý để cập nhật thông tin quản lý, điều hành hoạt động hoặc trao đổi công việc giữa cán bộ quản lý HTX với thành viên, người lao động (khoảng 85% HTX có tỷ lệ cán bộ, thành viên, người lao động sử dụng điện thoại thông minh từ 70% đến trên 90%, chỉ có khoảng 3% HTX có tỷ lệ này đạt dưới 40%).

Có thể thấy, việc chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Phần lớn các HTX đã nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển (đặc biệt trong và sau dịch bệnh COVID-19); xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số (từ 3 - 5 năm), và xác định những nền tảng cần có theo những nét đặc trưng của HTX. Việc số hóa cơ sở dữ liệu, đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin giúp HTX quản lý tốt hơn đầu vào, đầu ra, giảm thời gian tìm kiếm, dễ dàng chỉnh sửa, chia sẻ dữ liệu, thông tin trên nền tảng số, tiết kiệm không gian lưu trữ và chi phí quản lý, kéo dài tuổi thọ cho tài liệu gốc, nâng cao hiệu suất làm việc.

Lê Anh/ Theo Dangcongsan.vn

Tin khác
1 2 3 4