• Du lịch Bình Thuận
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Sản xuất lúa hữu cơ: Xu thế mới, tạo sản phẩm chất lượng
Lượt xem: 1849
Vài năm trở lại đây, các loại gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và gạo sản xuất theo hướng hữu cơ trong tỉnh, đã trở thành sản phẩm quen thuộc trong bếp mỗi gia đình. Góp sức để tạo ra những hạt gạo chất lượng, an toàn đó là HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh (Lạc Tánh, Tánh Linh).

 

Lúa ST24, ST25 của HTX NN Hưng Thịnh.

Được ưa chuộng

Những ngày này, nông dân huyện Tánh Linh đang rộn ràng thu hoạch vụ lúa đông xuân 2019- 2020, và bắt đầu xuống giống vụ hè thu. Nhờ nguồn nước tưới khá thuận lợi, nên bà con địa phương ngày càng mong muốn cải tiến các phương thức sản xuất, hướng đến sản xuất lúa hữu cơ. Riêng HTX NN Hưng Thịnh, 2 giống lúa “nổi đình nổi đám” thời gian qua, được mệnh danh là loại gạo ngon nhất nhì thế giới, đang được HTX sản xuất thành công - đó là giống lúa thơm ST24 và ST25.

Quả vậy! Nhận thấy tầm quan trọng và thiết yếu trong sản xuất, chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sản lượng, HTX NN Hưng Thịnh ra đời tháng 6/2018. Trải qua 2 năm hoạt động, HTX đã có được những thành công bước đầu, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Sản phẩm làm ra cung ứng cho người tiêu dùng sử dụng đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Minh chứng, trong số 55 ha lúa hữu cơ đang có mặt trên đồng ruộng Tánh Linh của HTX NN Hưng Thịnh, nhiều người không khỏi trầm trồ bởi độ xanh tốt của nó. Riêng 20 ha ở vụ lúa đông xuân, chỉ chừng 1 tuần nữa là đến kỳ thu hoạch. Nhìn vào bông lúa gần chín đều vàng óng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh - ông Nguyễn Văn Thành dự đoán năng suất sẽ đạt từ 6 - 6,5 tấn/ha. Năng suất này thấp hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 1,5 - 2 tấn/ha, do sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngược lại, chi phí đầu vào sẽ thấp hơn, giá bán thành phẩm sẽ cao hơn lúa thường, nên nông dân vẫn có lãi khá. Hiện tại, HTX đang thu mua lúa hữu cơ của nông dân với giá 6.500 - 7.000 đồng/kg, (giá lúa thường khoảng 6.000 đồng/kg).

Đại diện HTX cho biết: Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên, với tổng vốn góp là 180 triệu đồng, chủ yếu sản xuất lúa nếp, lúa thương phẩm. Ngoài ra, HTX vận động các hội viên, xã viên là người sản xuất lúa trong địa bàn làm chung một mô hình sản xuất. Qua đó, tạo nên lượng hàng hóa lớn hơn và ổn định, cung cấp cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh. HTX mạnh dạn làm cầu nối, vận động bà con thay đổi cách làm cũ, áp dụng kiến thức mới như tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, tìm nhà cung ứng vật tư đầu vào. Từ đó tạo nên một chuỗi giá trị trong sản xuất, sản phẩm làm ra được thu mua theo đúng hợp đồng.

Đa dạng sản phẩm

Hiện tại, do còn khó khăn vì thiếu vốn để đầu tư, sản xuất và khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, nên HTX đang có nhu cầu được Liên minh HTX tỉnh xem xét, hỗ trợ xây dựng văn phòng, nhà kho lưu trữ giống, vật tư nông nghiệp. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị gạo hữu cơ...                                                                                                 

Về định hướng trong năm 2020, đại diện HTX NN Hưng Thịnh cho biết, để đảm bảo số lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ để cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, vận động thêm một số hội viên liền kề thay đổi cách làm cũ, đưa vào sản xuất cây lúa nước, bằng giống lúa ST24 và ST25. Về lúa thương phẩm, HTX đã tổ chức liên kết với các HTX trên địa bàn huyện Tánh Linh như xã Gia An 30 ha lúa ST24, xã Bắc Ruộng 35 ha lúa nếp IR4625, xã Măng Tố 35 ha lúa giống mới OM406, xã Đức Tân 30 ha lúa ST 24... để đa dạng hóa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bởi thực tế hiện nay, giá gạo ST24 hữu cơ được bán ra thị trường đang ở mức khá cao, nên vẫn kén chọn người mua (28.000 - 30.000 đồng/kg).

Ông Võ Văn Ty - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có trên 90 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, trồng tại Đức Bình, Măng Tố, Đức Phú, Đồng Kho... Đồng thời, gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” cho HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh và cơ sở Đức Lan, xuất bán trong và ngoài tỉnh trên 200 tấn gạo thành phẩm. Mẫu mã, bao bì và chất lượng gạo an toàn, giá bán cao gấp hơn 2 lần so với gạo thường. Đây chắc chắn là xu thế mới, tạo sản phẩm chất lượng, là bước đầu thành công của huyện Tánh Linh, trong đó có HTX NN Hưng Thịnh.

Theo tìm hiểu, trong năm 2019, giống lúa ST24, ST25 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam tuyển chọn dự thi quốc tế lần thứ 11 ở Philippines. Kết quả, cả 2 loại cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất.

                                                                                                                                                           Nguồn: baobinhthuan