• Du lịch Bình Thuận
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Diễn đàn Kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2022:
Lượt xem: 1084

Chuyển đổi số để phục hồi và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19

Trong 2 ngày (18-19/5), tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề "Kinh tế tập thể, HTX với chuyển đổi số để phục vụ và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19". Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra hai sự kiện nổi bật: Ngày hội Xúc tiến thương mại và Hội thi HTX tiêu biểu năm 2022.

Quang cảnh Diễn đàn

Diễn đàn là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2022) và tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày HTX Quốc tế (1922-2022). Đồng thời, tuyên truyền vị  trí, vai trò, giới thiệu hình ảnh của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, các đơn vị trực thuộc và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của KTTT, HTX trong khu vực.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 18 tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên. Một đặc điểm lớn nhất của khu vực là có 5 tỉnh nằm trong vùng cao nguyên rộng lớn, đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu thiên nhiên ưu đãi mà các vùng khác không thể có được, rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rau thực phẩm cao cấp, cây lâm nghiệp...

Về tình hình KTTT, HTX năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, khu vực KTTT, HTX vẫn còn ảnh hưởng bất lợi của đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, khu vực này cũng đã nỗ lực vượt khó vươn lên và đạt được một số kết quả quan trọng. 

Chủ trì Diễn đàn gồm có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Lê Văn Nghị, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Bạch Như Nguyệt Phó trưởng đại diện VP Bộ Thông tin Truyền thông khu vực Miền Trung - Tây Nguyên

Theo đó, số lượng HTX được thành lập mới năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 đều tăng hơn cùng kỳ, chất lượng hoạt động của HTX từng bước ổn định, phát triển; góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương; số lượng HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao có xu hướng tăng, tạo cơ sở nhận thức cho việc xây dựng thành lập HTX theo mô hình mới ngày càng hiệu quả. 

Tính đến hết quý I/2021 và so với thời điểm tháng 12/2021 các HTX của khu vực miền Trung - Tây Nguyên thu hút khoảng 1,5 triệu thành viên (tăng 3.420 thành viên), tạo việc làm cho 550 nghìn lao động; tổng vốn điều lệ của HTX là 11,180 tỷ đồng (tăng hơn 250 tỷ đồng); bình quân vốn điều lệ 251 triệu đồng/HTX; tổng tài sản của HTX là 40,638 tỷ đồng (tăng 286 tỷ đồng). 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Khu vực KTTT, HTX dần khẳng định vai trò vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, góp phần đưa toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên lên 60% đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ hợp tác, HTX có 65% đạt sản phẩm OCOP 3 và 4 sao. Các tỉnh, thành phố có số lượng xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nhiều sản phẩm có giá trị và được thị trường đón nhận, có một số sản phẩm xuất khẩu có số lượng cao, chất lượng tốt mang giá trị kinh tế cao. 

Đồng chí Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Diễn đàn

Đồng chí Lê Văn Nghị, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Diễn đàn

Đồng chí Hồ Dậy, Phó Trưởng phụ trách Cơ quan Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên phát biểu tại Diễn đàn

PGS.TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam cho rằng: Muốn ứng dụng thành công chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung trước tiên cần phải có "nhân lực chuyển đổi số". Cụ thể phải sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển đổi số, phục vụ cho phát triển ngành nghề đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã

Ông Phạm Ngọc Thạch, HTX Sunfood Đà Lạt cho rằng: Cần phải có chính sách riêng hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển đổi số, liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín để giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng, HTX Mây tre Đan An Khê, Đà Nẵng kiến nghị  cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng về sử dụng công nghệ, chuyển đổi số có chuyên sâu cho HTX và hỗ trợ kinh phí khởi tạo trong việc bán hàng online qua các trang Thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Ông Đặng Văn Chính , HTX Công nghệ Thông tin Huế cho rằng muốn chuyển đổi số trước hết phải giải quyết được bài toán kết nối trong lĩnh vực này. Đó là phải xác định 3 trụ cột để kết nối: Liên minh Hợp tác xã số, kinh tế tập thể số, Hợp tác xã số.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2022

Lê Huy - Quang Trung