• Du lịch Bình Thuận
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Để trái thanh long luôn “ngọt”
Lượt xem: 439
Trong khi nhiều vùng trồng thanh long trong tỉnh buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc bỏ vườn không chăm sóc vì giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài, thì Hàm Thuận Nam đã có giải pháp níu kéo và củng cố phần lớn diện tích thanh long vượt qua hoàn cảnh trên.

Hình thành 5 dự án liên kết sản xuất

Hơn 2 tháng nay, giá thanh long Bình Thuận đang quay về ngưỡng cao sau thời gian dài “chạm đáy”. Điều này như tiếp thêm động lực, càng minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực chăm sóc vườn của những nông dân Hàm Thuận Nam – nơi được xem là thủ phủ của “rồng xanh”, là không phí hoài công sức. Là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích thanh long gần 14.000 ha, đã làm thay đổi rõ rệt đời sống của nhân dân, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc. Từ vùng đất khô cằn, nghèo khó, nay xen giữa những cánh đồng thanh long bạt ngàn là những căn nhà mái thái hiện đại, những ngôi biệt thự đồ sộ lộng lẫy, việc sắm ô tô hạng sang không còn là chuyện lạ, có những xã hơn nửa làng trở thành tỷ phú. Có được những kết quả đó, ngoài thiên thời, địa lợi, thì việc chính quyền địa phương triển khai quyết liệt chương trình sản xuất thanh long VietGAP, cũng như việc thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có những kết quả bước đầu.

Trang trại thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: N. Lân

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã hình thành 5 dự án liên kết sản xuất theo hình thức liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (4 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ trên cây thanh long và 1 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò). Với lợi thế có cây thanh long là cây trồng chủ lực, huyện đã triển khai và huy động được một số hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp và các tổ, nhóm sản xuất thanh long VietGAP tham gia chuỗi liên kết với 3 HTX (HTX Hàm Minh 30, HTX Hàm Kiệm, HTX Quốc Cường) và 1 Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP (tại xã Mương Mán). Đồng thời, đã kêu gọi được 4 doanh nghiệp, 1 HTX tiêu thụ trái thanh long tham gia vào các dự án liên kết. Năm 2022, trên địa bàn huyện xuất hiện thêm 2 dự án liên kết khác. Đó là Dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn, theo hướng GlobalGAP tại HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm với diện tích 103,6 ha và Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò của HTX Thuận Minh Phát tại xã Hàm Cần. Với 5 dự án trên, trong đó tập trung chủ yếu vào sản phẩm trái thanh long, bước đầu giúp đầu ra cho nông dân với giá thành ổn định, tránh tình trạng ép giá khi tới mùa vụ. Đồng thời, giúp nông dân nhận thức được lợi ích của việc tham gia chuỗi liên kết giá trị, và tự nguyện tham gia mô hình kinh tế tập thể.

Huy động nguồn lực để liên kết, hợp tác

Có thể thấy, các dự án trên như tạo một sự kích thích cho nhà nông kiên trì bám trụ giữ vườn dù giá thanh long trồi sụt thất thường. Đây cũng là một trong những động lực để vùng chuyên canh thanh long Hàm Thuận Nam giữ vững giá trị sau bao nhiêu năm chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng.

Qua 40 năm hình thành, phát triển, từ một huyện sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa và cây hàng năm, Hàm Thuận Nam đã chuyển sang phát triển nhanh cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái có tính chiến lược lâu dài. Diện tích cây lâu năm hiện nay đạt khoảng 23.000 ha, trong khi năm 1983 chỉ có 430 ha cây điều và một số diện tích cây ăn quả khác, tăng gấp hơn 40 lần so với năm 1983, trong đó cây thanh long được xem là cây xóa đói giảm nghèo, góp phần đổi thay đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân nơi đây, đặc biệt là trong giai đoạn 1990 – 2020. Nếu như năm 1991, toàn huyện chỉ có 35 ha thanh long, thì nay con số ấy đã vượt hơn 14.000 ha và sản lượng thanh long đạt 390.000 tấn vào năm 2022. Sản lượng trái thanh long tăng vượt trội đã tạo được lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu. Chưa hết, chính quyền địa phương đã nỗ lực hình thành các vùng chuyên canh đối với các cây thanh long, đặc biệt, từng bước chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng, cây dưa lưới, góp phần tăng thu nhập và hiệu quả sử dụng đất. Ngoài ra, huyện đã đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện.

Khu dân cư xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam. Ảnh: N. Lân

Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 70 ha thanh long đã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn nước ngoài. Đó là 10 ha tại Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Khang Quân và 60 ha tại Công ty TNHH Sinh thái Hồng Hà, xã Thuận Quý. Bên cạnh đó, tại Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bình An, xã Thuận Quý có 3 ha thanh long hữu cơ và 4 ha nho hữu cơ đạt tiêu chuẩn USDA và EU. Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Kim Hải ở xã Tân Lập cũng có 30 ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ; 1 hộ sản xuất tại xã Tân Thuận có 10 ha sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Qua đó cho thấy, đầu tư sản xuất bài bản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp và liên kết được chuỗi liên kết tiêu thụ, thì giá trị sản phẩm luôn bền vững. Tuy nhiên, hầu hết sản lượng thanh long của huyện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng còn diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng đến việc hình thành các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, công nghệ cao... Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp tiêu thụ trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, nông dân vẫn còn quen với canh tác truyền thống, kinh nghiệm nên chất lượng nông sản chưa đồng bộ.

Để nông dân nhận thức rõ hơn, các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo Nghị định số 98 của Chính phủ, Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh, UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp. Đó là huy động các nguồn lực để liên kết, hợp tác phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và lựa chọn các lĩnh vực, dự án thế mạnh để ưu tiên đầu tư, cụ thể là thanh long và các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của huyện. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường. Không chỉ vậy, địa phương không ngừng xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực đầu tư tham gia vào chuỗi liên kết, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh có 6 tổ chức sản xuất gồm 4 công ty, 1 HTX, 1 hộ sản xuất với tổng diện tích 123 ha thanh long và 4 ha nho hữu cơ đã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn nước ngoài. Trong đó, 80 ha được cấp theo dự án khoa học công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, phần lớn đều thuộc huyện Hàm Thuận Nam.

Theo MINH VÂN/ Báo Bình Thuận