Hợp tác xã (HTX) là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, hiện nay đóng góp khoảng 4% GDP cả nước. Khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX còn đóng góp gián tiếp từ 7 triệu thành viên và tác động đến đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên. Tuy nhiên, hiện chỉ có 40% HTX hoạt động hiệu quả, nguyên nhân là bởi HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Mô hình hợp tác xã muốn phát triển phải giải được bài toán về vốn. Ảnh: Quang Vinh.
Chỉ khoảng 10% được vay vốn
Con số thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 28.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp là 18.340 HTX. Tuy nhiên, số HTX được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng rất thấp, chỉ khoảng 10%. Nguồn vốn được coi là “mạch máu” lưu thông của hầu hết các mô hình kinh tế, và với HTX, vốn là yếu tố càng quan trọng. Song, thực tế việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của khu vực HTX gặp khá nhiều rào cản.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do các hợp tác xã thiếu tài sản thế chấp, khả năng xây dựng dự án kinh doanh còn yếu, hoặc họ thiếu các thông tin về tài chính, tín dụng... Và cũng vì khó tiếp cận được nguồn vốn để phát triển mà không ít mô hình HTX ở Việt Nam vẫn còn hạn chế ở các quy trình sản xuất hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khó tạo dựng được niềm tin với người dân, thành viên.
Gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, ông Huỳnh Ngọc Sơn - Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (Đồng Nai) chia sẻ, lãi suất hợp tác xã vay ngân hàng hiện rất cao (từ 10-11%/năm) với khoản vay hàng tỷ đồng. Vì vậy, riêng tiền lãi cũng đã khiến hợp tác xã đau đầu, trong khi đó, chăn nuôi lại đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao... nên hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đã khó càng thêm khó.
Theo đại diện một số HTX ở Quảng Trị, để tồn tại, phát triển và thích ứng với thị trường, HTX đã phải đẩy mạnh đa dạng các dịch vụ nhằm hỗ trợ các thành viên sản xuất kinh doanh theo chuỗi, bên cạnh đó, phải huy động vốn nhàn rỗi từ các xã viên... để có thể duy trì hoạt động.
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, quy mô vốn bình quân của mỗi HTX hiện nay chỉ ở mức khoảng 1,5 tỷ đồng. Đây là mức rất khiêm tốn khiến cho doanh thu và lợi nhuận của các HTX không cao. Về hiệu quả hoạt động của các HTX thì, chỉ khoảng 40% HTX hoạt động hiệu quả, còn lại là hoạt động chỉ ở mức trung bình và kém. Rõ ràng, những dữ liệu nói trên cũng phần nào cho thấy thực trạng hoạt động của các HTX hiện nay. Và việc “bồi đắp” nguồn vốn cho hoạt động của HTX, kinh tế tập thể là vô cùng quan trọng.
Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong những năm tới, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Chính bởi vậy, nếu “khát” vốn, không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, hoạt động của các HTX sẽ vô cùng khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ “cơ thể” của nền kinh tế.
Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động đã khẳng định, để mô hình HTX hoạt động hiệu quả, nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được xem là nhân tố quan trọng. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Đào Minh Tú cho hay, tại Italy, một HTX sản xuất giày da có vốn điều lệ 12 triệu USD, trong đó ngân hàng là một thành viên của HTX để vừa quản lý vốn vay, vừa là động lực tạo lợi ích.
Trước những khó khăn của khu vực HTX, kinh tế tập thể trong việc tiếp cận nguồn vốn, giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” để hỗ trợ HTX phát triển, trong đó các ngân hàng nên nhìn nhận HTX khác doanh nghiệp khi đưa ra những điều kiện về vay vốn. Theo đề xuất của Liên minh HTX Việt Nam, các tổ chức tín dụng cần vận dụng tối đa những quy định về ưu đãi tín dụng đối với HTX, tạo điều kiện để các HTX được vay vốn. Tuy nhiên, các HTX cũng phải nâng cao chất lượng, minh bạch hóa tình hình tài chính… làm tiền đề để thuyết phục các tổ chức tín dụng khi vay vốn.
Nói về vấn đề này, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN có thể đưa ra những điều kiện ưu tiên, dành riêng cho mô hình HTX. Để làm được điều này cần các văn bản chỉ đạo từ NHNN, Chính phủ hoặc cao hơn để khơi thông nguồn lực vào HTX, trong đó có nguồn lực từ ngân hàng.
Cũng đưa ra một số kinh nghiệm trong thúc đẩy nguồn tín dụng cho HTX từ kinh nghiệm quốc tế, Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) nêu, tại Hàn Quốc, Chính phủ đã thiết lập Liên hiệp HTX nông nghiệp quốc gia hay chương trình tín dụng tương hỗ, từ đó huy động một khối lượng lớn tiền gửi trong khu vực đô thị và cung cấp tín dụng tới các thành viên HTX nông nghiệp.
Tại Thái Lan, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp vay tín dụng cho HTX thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và HTX Thái Lan với lãi suất cho vay 4,5%/năm (so với 10% lãi suất vay từ ngân hàng TMCP); chấp thuận một khoản ngân sách hỗ trợ HTX vay tín chấp và thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay với lãi suất 0%, thời gian cho vay tối đa 20 năm và HTX bắt đầu trả nợ từ năm thứ 3 sau khi nhận khoản vay đầu tiên...
Trong khi đó, đại diện một số HTX nêu quan điểm, nhà quản lý cần có phương án hỗ trợ HTX được vay tín chấp phục vụ phát triển sản xuất, vì đa số không có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng.
NHNN cho biết, đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ.
Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX đạt 5.884.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất - kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2.030.0167 tỷ đồng.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả.
DUY KHANG