Làm ra sản phẩm tốt, song bài toán làm sao để bán được hàng, giúp các thành viên tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống vẫn khiến nhiều HTX lúng túng, nhất là khi vào chính vụ. Theo đó, để mở rộng đầu ra cho nông sản, ngoài đẩy mạnh chế biến, các HTX cần quan tâm nhiều hơn đến yêu cầu của thị trường.
Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) là vựa rau màu nổi tiếng ở miền Bắc nhưng ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX tổng hợp Đông Cao cho biết, trong những năm gần đây, không ít lần HTX phải rơi vào cảnh phải "giải cứu". Giá củ cải có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg, thậm chí người trồng còn bỏ thối trên ruộng.
Có sản phẩm nhưng thiếu thị trường
“HTX liên kết với 1.000 hộ dân cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn củ cải, rau màu/năm nhưng chủ yếu là bán tươi. Chính vì vậy, chỉ cần một biến động nhỏ từ thị trường thì nông sản lại dồn ứ”, ông Đua phân tích.
Không chỉ rau màu mà hiện nay, nhiều loại trái cây là đặc sản vùng miền như xoài, bơ, cam, quýt, thanh long, dưa hấu… có nhiều thời điểm giá chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo lý giải của nhiều nông dân và HTX, các loại nông sản này hầu hết đều là những loại cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, năng suất cao nên nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, đa số thương lái thu mua nông sản đều thỏa thuận miệng mà không có hợp đồng, chỉ đặt cọc ít tiền để làm tin. Do đó, khi chẳng may có chuyện gì xảy ra, thương lái dễ lật kèo nên người chịu thiệt luôn là nông dân và các thành viên HTX.
Có thể thấy, nền kinh tế thị trường có những biến động khó lường và sự cạnh tranh gay gắt, nhưng dường như nhiều nông dân, HTX vẫn chưa trả lời được câu hỏi: sản xuất cái gì, bán đi đâu, bán cho ai? Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay với các chính sách hỗ trợ, mở rộng thị trường; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì chưa đủ “lớn” để đảm nhận vai trò dẫn dắt sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, HTX.
Là mô hình kinh tế hoạt động tương đối hiệu quả theo hướng hàng hóa và đang có những bước đi để mở rộng đầu ra cho nông sản bằng nhiều hướng, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai) cho rằng, cần phải có chiến lược quốc gia, sự đồng lòng của doanh nghiệp, HTX, nông dân… thì mới giải quyết được bài toán "được mùa mất giá".
Khi nắm bắt được yêu cầu của thị trường thì đầu ra cho nông sản sẽ được mở rộng.
“Làm nông nghiệp cần phải có chiến lược, có công nghệ bảo quản, chế biến sâu chứ không thể sản xuất ra nhiều thì lại phải bán đổ bán tháo, thậm chí phải chặt bỏ. Cần kết hợp quy trình từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ để nâng cao giá trị. Những HTX nào quan tâm đến chế biến, đầu tư nhiều vào công nghệ thì sẽ thoát được tình cảnh “hàng đầy đồng mà không ai mua”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn về đầu ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, HTX lãi vay cho phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống máy móc, nhà xưởng bảo quản và công nghệ chế biến. Bởi, đầu tư công nghệ, nhất là máy móc chất lượng cao, khép kín đối với các HTX, hộ nông dân là cả một bài toán nan giải.
Còn theo bà Ngô Tường Vi, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, các HTX cần nắm rõ thông tin thị trường thì mới có thể giải quyết được khó khăn về đầu ra. Đơn cử, đối với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhu cầu mua sắm hiện nay sẽ rơi nhiều vào các dịp cuối tuần. Chính vì vậy, nông dân, HTX khi nắm được điều này sẽ có kế hoạch sản xuất kinh doanh, thu hoạch phù hợp hơn.
Hay đối với thị trường Trung Quốc, riêng khâu vận chuyển cũng đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như đối với mặt hàng trái cây, cơ quan chức năng của Trung Quốc yêu cầu dưa hấu không được lót bằng rơm, lá cây, chăn vải cũ, mà phải bọc quả bằng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại.
Hoặc đối với quả mít, HTX, doanh nghiệp Việt Nam nếu bọc bằng bìa cát tông hở hai đầu cũng không được mà phải dùng giấy dai kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Quả chuối thì yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc.
“Những thay đổi của Trung Quốc về thông quan hàng hóa ngày càng theo chiều hướng siết hơn nên các HTX cần lưu ý để đáp ứng, tránh việc bị trả về”, bà Vi lưu ý.
Phát triển theo chiều sâu
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu cạnh tranh ngày càng cao, yêu cầu về chất lượng hàng hóa ngày càng nghiêm ngặt. Điều này buộc các HTX phải tìm ra những cách thức mới để tập trung phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, thay vì chỉ nâng cao số số lượng như hiện nay.
Thực tế, việc phát triển diện tích nông sản theo hướng tự phát đang khá phổ biến ở các tỉnh, thành. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, nếu theo quy hoạch, diện tích cây cà phê của địa phương chỉ khoảng 150.000 ha thì nay đã vượt 210.000 ha, quy hoạch cây sắn 20.000 ha thì đến nay đã trên 36.000 ha…
Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng một cách tùy tiện và quá nhanh dẫn đến cung vượt cầu và phá vỡ quy hoạch. Khi phá vỡ quy hoạch cũng đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực thị trường đầu ra.
Trước thực trạng trên, TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác chia sẻ rằng, qua thực tế từ đợt dịch Covid-19 vừa qua có thể thấy các HTX, hộ dân dân vẫn có thể tiêu thụ được khoảng 2.000 tấn nông sản/ngày thông qua sự hỗ trợ của các ngành chức năng.
Tuy nhiên, để làm được điều này, điều quan trọng nhất đó chính là nông sản của HTX phải có chất lượng. Bởi những nông sản nào có tiêu chuẩn, nhật ký rõ ràng, được chứng nhận cụ thể, được sản xuất trong tổ chức… đều tiêu thụ được. Còn hàng vừa xấu về hình thức vừa không đảm bảo chất lượng thì rất khó có đơn vị thu mua.
Ngoài ra, muốn tiêu thụ được nông sản, cần có định hướng, chiến lược sản xuất cụ thể, rõ ràng. “Nhiều tỉnh, nhiều địa phương nói có 2.000 ha xoài, có hơn 1.000ha sầu riêng nhưng xoài nằm ở đâu, sầu riêng nằm ở đâu, cụ thể khi nào thu hoạch để có hàng xuất đi và có thể thu hoạch bao nhiêu tấn hàng một lần cũng không biết thì sao có thể tiêu thụ được”, TS. Trần Minh Hải nói.
Trước thực trạng trên, TS. Trần Minh Hải cho rằng, các địa phương cần hình thành được các đầu mối thu gom nông sản thông qua các HTX. Các HTX này sẽ đóng vai trò chủ chốt để khảo sát vùng trồng xem lúc nào sản phẩm thu hoạch, diện tích bao nhiêu, địa chỉ ở đâu… để cung cấp cho khách hàng, từ đó tăng khả năng tiêu thụ và địa phương cũng nắm rõ được diện tích, nhịp điệu mùa vụ.
Hiện, để thu hút doanh nghiệp, thương lái đến thu mua nông sản, Đắk Nông đang là địa phương tiên phong trong việc xây dựng bản đồ nông nghiệp số để cập nhật toàn bộ diện tích cây trồng của tỉnh. Thông qua bản đồ số, người mua dù ở trong và ngoài nước vẫn có thể biết đến từng loại nông sản, trồng cụ thể ở thôn, xã nào, thời điểm nào ra hoa-thu hoạch, tiêu chuẩn ra sao. Ngoài ra, bản đồ số còn hướng dẫn cách liên lạc với các hộ dân, HTX có vùng sản xuất, hướng dẫn cách đi đường để đến vùng thu hoạch cũng như vận chuyển nông sản đi tiêu thụ.
“Bản đồ này còn ghi rõ từ vùng trồng ra đến đường ô tô có thể đi là bao nhiêu km, cách bao xa có cảnh sát, đường ô tô vào được không. Khi có thông tin cụ thể thì người mua mới cân đối được chi phí lợi nhuận, từ đó quyết định và có phương án bao tiêu cụ thể”, TS Trần Minh Hải cho biết.
Huyền Trang