Nhiều doanh nghiệp được giãn nợ tối đa 1 năm
26/04/2023
Lượt xem: 548
Thông tư 02/2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban
hành không chỉ giúp doanh nghiệp được giãn nợ tối đa một năm mà còn giúp làm
tan dần “cục máu đông” nợ xấu của ngành ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú
vừa ký ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ
trợ khách hàng trong thời điểm khó khăn. Thông tư có hiệu lực từ ngày 24-4-2023.
- Giãn, hoãn thời gian trả nợ
Theo đó, những khách hàng đang gặp khó khăn trong
hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sẽ được các ngân hàng thương mại cơ
cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ
cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày thông tư này có hiệu lực (22-4) đến
hết 30-6-2024.
Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ
nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. NHNN trao quyền chủ
động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem
xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ
vay.
Ngoài ra, khoản vay phải phát sinh trước ngày
24-4-2023 và sẽ được xem xét giãn nợ tối đa là 12 tháng. Thời gian cơ cấu lại
hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá một năm kể từ
ngày đến hạn trả nợ.
Ví dụ, khách hàng có khoản vay và tới hạn trả nợ vào
ngày 01-5-2023 nhưng vì khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên họ
không thể trả gốc, lãi sẽ được ngân hàng xem xét kéo dài thời gian trả nợ. Thời
hạn trả nợ kéo dài tối đa tới ngày 01-5-2024.
- Tháo gỡ cho cả ngân hàng và khách hàng
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng: “Không ngân hàng
nào muốn khách hàng phải cơ cấu lại thời gian trả nợ. Thay vì kéo dài thời gian
trả nợ, chúng tôi sẵn sàng miễn, giảm lãi để khuyến khích khách hàng trả nợ sớm
hơn. Với cách này, ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận, còn khách hàng thì giảm
bớt phần chi phí tài chính”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám
đốc Ngân hàng Agribank, cho biết: Thực chất, khi khoản vay của một doanh nghiệp
(DN) đang gặp khó khăn mà được kéo dài thời gian trả nợ (cơ cấu thời gian trả
nợ) thì điểm tích cực là khoản vay đó không bị nhảy nhóm nợ xấu, tạo điều kiện
để DN không bị ách tắc dòng tiền. Bởi nếu có khoản vay dính nợ xấu thì DN không
còn cơ hội tiếp cận vốn vay thêm nữa.
Tuy nhiên, khi cơ cấu thời gian trả nợ đồng nghĩa
với việc DN sẽ bị kéo dài thời gian quay vòng vốn. Thông thường, một năm DN vay
vốn lưu động kỳ hạn sáu tháng thì một năm sẽ quay vòng được hai vòng vốn nhưng
khi cơ cấu kéo dài thành 12 tháng thì một năm mới quay vòng vốn một lần. “Và
như vậy lợi nhuận trên vốn đầu tư sẽ sụt giảm, chi phí lãi vay tăng cũng khiến
hoạt động kinh doanh của DN bị giảm hiệu quả” - bà Phượng nhấn mạnh.
Đánh giá về mức độ tác động của Thông tư 02, bà
Phượng cho rằng: Thông tư này được NHNN đưa ra với nhiều điều kiện thông
thoáng, bao phủ tất cả nhóm ngành của nền kinh tế. Do đó, thông tư này không
chỉ giúp “cục máu đông” nợ xấu trong ngành ngân hàng không bị đầy lên, nhờ chỉ
số nợ xấu trên sổ sách sẽ giảm đi.
Với DN, nhờ thông tư này mà khoản vay của mình sẽ
không bị nằm trong “sổ đen” của ngân hàng, vốn lưu động không bị ách tắc. Tuy
nhiên, điều quan trọng là mặt bằng lãi suất huy động cần phải xuống thấp hơn
nữa. Khi đó chi phí vốn của ngân hàng giảm và có dư địa để giảm lãi suất cho
vay theo.
“Hiện chúng tôi đang tiến hành rà soát những khoản
nợ đã quá hạn trong phạm vi 10 ngày trước thông tư có hiệu lực để làm việc với
từng khách hàng. Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành rà soát các khoản nợ chuẩn
bị đến hạn phải trả (ít nhất là trong ba tháng tới) sẽ đánh giá khả năng trả nợ
của khách hàng.
Tiếp đến, chúng tôi đánh giá khách hàng nào đang gặp
khó khăn và có khả năng trả nợ sau khi cơ cấu. Để từ đó ngân hàng sẽ xem xét
thời hạn cơ cấu là bao nhiêu cho phù hợp, có thể là cơ cấu sáu tháng, chín tháng
hay 12 tháng” - bà Phượng thông tin.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định Thông tư
02/2023 sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, kéo dài thời
gian vay và trả nợ ngân hàng. Trên cơ sở đó tạo điều kiện tiếp tục quay vòng
vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống,
tiêu dùng. Qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế
theo các mục tiêu đề ra của năm.
Theo Tấn kiểu - BQLKCN (Trích nguồn plo.vn)