Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2023, người lao động cần biết
Lượt xem: 724

Tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế; chế độ phụ cấp đối với cán bộ công đoàn… là những chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động có hiệu lực từ năm 2023.

1. Lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 56

Theo Bộ Luật lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Theo đó, mỗi năm, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Đối với lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường thì tuổi nghỉ hưu năm 2023 là 60 tuổi 9 tháng. Còn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 56 tuổi.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, đây là độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, song vẫn có trường hợp người lao động được về hưu sớm hơn 5 năm, thậm chí là 10 năm như: lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn…

2.Giải quyết chế độ hưu trí đối với lao động dôi dư

Cũng liên quan đến chế độ hưu trí, từ 15.01.2023, Nghị định 97/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ có hiệu lực.

Theo đó, chính sách áp dụng đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21.4.1998 hoặc trước ngày 26.4.2002 như sau:

Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 1 - 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và các chế độ gồm: không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp 3 tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu; hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

Đối với lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 1 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và các chế độ gồm: không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH bắt buộc tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí.

3.Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở

Từ ngày 01.01.2023, theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị. Đây là một trong những giải pháp nhằm ngăn "làn sóng" cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Theo kết luận, Bộ Chính trị đồng ý nội dung kiến nghị của Ban cán sự đảng Bộ Y tế điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% lên mức 100%.

Mức tăng cụ thể sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới.

4.Chế độ phụ cấp mới với cán bộ công đoàn

Từ ngày 01.01.2023, quy định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ công đoàn các cấp theo Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ của Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có hiệu lực.

Đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm: chủ tịch và phó chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS), CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); chủ nhiệm ủy ban kiểm tra CĐCS, ủy viên ban chấp hành CĐCS, CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); tổ trưởng, tổ phó công đoàn./.

Theo Tân Kiểu- BQLKCN

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập