Tăng tốc tiến độ dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận
Lượt xem: 1013

Sau 2 năm triển khai thi công, 2 dự án thành phần đường bộ cao tốc qua địa bàn Bình Thuận Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đang trong giai đoạn nước rút. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công đang huy động tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác, qua đó mở ra điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160,3 km, gồm 03 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dài 12 km), đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 47,5 km).

Dự án qua địa bàn của 05 huyện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân với khối lượng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư khá lớn với 2.684 hộ cá nhân và tổ chức, 1.221,51 ha đất bị ảnh hưởng; xây dựng 05 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho 149 hộ, đồng thời phải di dời hệ thống khá lớn các công trình hạ tầng kỹ thuật nước, viễn thông, điện trung hạ thế, nước và điện cao thế 500kV, 220kV giao chéo với toàn tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh tại 20 vị trí (500 kV: 14 vị trí, 220 kV: 6 vị trí) các vị trí nằm ngoài ranh giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc, không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 2.684/2.684 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng dự án; hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công. Hiện nay, các đơn vị đang thực hiện công việc di dời công trình điện cao thế 500kV, 220kV thuộc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Về nguồn vật liệu đất đắp của dự án cũng đã được tỉnh giải quyết cơ bản đủ để phục vụ cho dự án.

Trong 3 dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh, tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án lớn nhất với chiều dài 100 km. Theo Ban quản lý dự án 7, dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay đạt tổng sản lượng xây lắp hơn 3.772 tỷ đồng trên hơn 6.267 tỷ đồng, đạt hơn 60% giá trị xây lắp, chậm 6,74% giá trị xây lắp. Trong đó, gói XL01 đạt hơn 1,297 tỷ đồng, đạt 76,4%, 3 gói thầu còn lại chỉ đạt trên 50%. Giải ngân vốn đạt hơn 1.238 tỷ đồng, đạt 67,42%. Các đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, thiết bị trên công trường để tăng tốc thi công, nỗ lực để về đích đúng tiến độ.

Thời tiết bất lợi trong những ngày qua gây khó khăn không nhỏ, tuy nhiên Ban quản lý dự án 7 cùng các nhà thầu đã rà từng phương án để đảm bảo nhịp độ thi công phù hợp, không gián đoạn. Các nhà thầu cũng đang huy động tối đa phương tiện thiết bị máy móc, công nhân thi công nhiều ca, kể cả ban ngày và ban đêm trên công trường nhằm đẩy nhanh các phần việc bị chậm tiến độ.

Anh Nguyễn Đình Việt - Phó Chỉ huy trưởng gói thầu XL01, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thông xe kỹ thuật 120 ngày đêm, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng đơn vị đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, tài chính và tổ chức nhiều mũi thi công ngày đêm để đạt được tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Giám đốc điều hành gói thầu XL02, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng cho biết, đơn vị đã rất nỗ lực quyết tâm sau lễ phát động đã huy động máy móc thiết bị, con người thực hiện thi công cả ngày lẫn đêm, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” quyết tâm thông xe kỹ thuật đúng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Còn tại dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây sản lượng đạt hơn 72%. Để kịp thông xe cuối năm, các đơn vị thi công đang tập trung nhân vật lực thi công cả ngày lẫn đêm, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, phối hợp chặt chẽ triển khai thi công đồng bộ trên tất cả các mũi trên công trường. Chủ đầu tư, đơn vị thi công luôn nỗ lực, quyết tâm với những giải pháp cụ thể, quyết liệt để đảm bảo tiến độ đề ra.

Ông Vũ Trọng Kiên - Chỉ huy trưởng gói thầu XL01, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho hay, Ban điều hành đã phối hợp với nhà thầu tổ chức triển khai công việc thường xuyên trên công trường, đảm bảo nguồn lực tối đa để thi công, kết quả đến nay cơ bản đảm bảo yêu cầu và sẽ hoàn thành thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022 theo kế hoạch.

Mới đây, tại buổi kiểm tra hiện trường dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia và là một trong những dự án phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, hiện các dự án này đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Việc chậm tiến độ này trách nhiệm trực tiếp liên quan đến các Ban Quản lý dự án và các Nhà thầu. Trong thời gian còn lại, Bộ trưởng yêu cầu các Ban Quản lý dự án, Nhà thầu cố gắng hoàn thành đúng tiến độ đề ra là thông xe kỹ thuật trước 31/12/2022. Chậm nhất là đến ngày 30/4/2023 sẽ khánh thành và đưa vào khai thác đoạn này.

Theo đó, các Ban Quản lý dự án cần tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tối đa cho các doanh nghiệp, để không làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính. Đối với Nhà thầu, cần tập trung tối đa nguồn lực tài chính, máy móc, trang thiết bị, công nhân… khắc phục bất lợi thời tiết triển khai thi công 24/24 để đạt tiến độ đề ra. Bộ trưởng cũng lưu ý bên cạnh đảm bảo tiến độ thi công, các đơn vị vẫn phải chú ý đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuyệt đối không được bỏ qua các bước, quy trình kỹ thuật theo quy định. Trong giai đoạn 2 của dự án, chỉ có các Nhà thầu làm tốt giai đoạn 1 mới được chọn tiếp tục, các Nhà thầu làm không tốt sẽ bị loại bỏ trong giai đoạn 2 của dự án.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 sẽ hoàn thành 361 km của 4 dự án thành phần đường bộ cao tốc: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Chính phủ yêu cầu không lùi tiến độ. Bộ Giao thông vận tải sẽ bám sát công trường để đảm bảo đưa các dự án về đích đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hiện những khó khăn về nguồn đất đắp nền, biến động của giá vật liệu,… đã cơ bản được tháo gỡ. Tại công trường, các nhà thầu đang dồn lực, chạy đua với thời gian để đưa dự án về đích vào cuối năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo tin Trương Duệ - BQLKCN (Trích nguồn binhthuan.gov.vn)

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang