Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết trong mùa khô
Lượt xem: 1888

(binhthuan.gov.vn) Mặc dù đã qua những tháng đỉnh điểm trong đợt bùng phát của bệnh sốt xuất huyết, nhưng số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được ghi nhận ở mức cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí ghi nhận nhiều ca nặng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo tình hình bệnh sốt xuất huyết vẫn còn phức tạp, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh.

Nhà không có ai bệnh, xung quanh cũng không và cũng không phải mùa sốt xuất huyết nên dù có sợ, chị Út vẫn không nghĩ con mình mắc sốt xuất huyết khi trẻ bị sốt liên tục tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Kim Út, cư trú tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, chia sẻ: Ban đầu ở nhà nghĩ bé bị sốt siêu vi, chứ không nghĩ là sốt xuất huyết, vì khu đó không có ai bị. Rồi gia đình tự mua thuốc cho bé uống 02 ngày, thì không thấy bớt. Cho bé đi xét nghiệm mới phát hiện là sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận

Hiện có khá nhiều trường hợp giống con của chị Út, nhập viện sau 02 đến 03 ngày sốt và theo dõi tại nhà. Chỉ tính riêng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ tháng 6/2022 đến nay, đã thu dung và điều trị cho hơn 2.300 bệnh nhi, trong đó có hơn 250 ca nặng. Tính riêng 02 tuần cuối của tháng 02/2023, bệnh viện ghi nhận số ca mắc mới vẫn ở mức cao, thậm chí có trường hợp các bệnh nhi trong cùng gia đình, nhập viện cách nhau chỉ vài ngày.

Bác sĩ Phan Thùy Dung, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết: So với mọi năm, số ca sốt xuất huyết tăng rất nhiều, kể cả số ca nặng. Bệnh nhân nội trú trong thời điểm trước chưa đến 10 ca/ngày. Nhưng mà bây giờ, một ngày có thể lên đến hơn 60 ca nội trú; riêng phòng khám ngoại trú, một ngày tiếp nhận khoảng hơn 20 ca.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến thời điểm này số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận ở 10/10 địa phương trên địa bàn tỉnh, tăng gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số ca mắc sốt xuất huyết nặng cũng tăng gần 03 lần so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 80 ổ dịch sốt xuất huyết.

Sốt xuất là bệnh lưu hành quanh năm. Do đó, ngành y tế cáo người dân không chủ quan, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường khu vực sinh sống để tiêu diệt lăng quăng. Không có bọ gậy, loăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết.

Thường xuyên vệ sinh, kiểm tra dụng cụ đựng nước để phòng, chống sốt xuất huyết

Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát sốt xuất huyết, chúng tôi đã khuyến cáo người dân cần thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, đậy kín lu, vại chứa nước sinh hoạt để tránh muỗi sinh sản. Bên cạnh, người dân cần phải thực hiện xúc rửa lu, vại chứa nước thường xuyên để phòng tránh sốt xuất huyết một cách hiệu quả.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/ nặng. Vì biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, nên cần theo dõi sát sao, phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để nhanh chóng đến cơ sở y tế, can thiệp sớm giảm nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau được ký hiệu (D1, D2, D3, D4), chính vì thế nếu mắc chủng này rồi vẫn có thể mắc chủng khác, tức là mỗi người vẫn có thể mắc tới 04 lần sốt xuất huyết trong đời.

Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Trong 03 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ. Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, khuyến cáo: Để hạn chế bệnh chuyển biến nặng, người dân cần hợp tác với bác sĩ trong việc theo dõi con em, theo dõi các dấu hiệu nặng để nhập viện. Tránh chăm sóc theo kiểu dân gian (cạo gió, cắt lể) hoặc cho uống những thuốc không có nguồn gốc, điều này sẽ dẫn đến tình trạng bệnh chuyển biến nặng, khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị khi nhập viện.

Tập huấn điều trị sốt xuất huyết

Dự báo trong thời gian tới, tình hình bệnh sốt xuất huyết có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát mạnh do điều kiện thời tiết thất thường, mưa trái mùa và chỉ số côn trùng cao. Hiện toàn ngành y tế đang chủ động phối hợp các tuyến nhằm nâng cao năng lực điều trị và triển khai công tác dự phòng ở mỗi tuyến cơ sở. Tuy nhiên ở cả hai khâu dự phòng và điều trị vẫn rất cần sự phối hợp và ý thức cảnh giác phòng bệnh từ người dân./.

Hữu Tri

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1