• Du lịch Bình Thuận
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tọa đàm “Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”:
Lượt xem: 485

Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ phải tạo động lực cho hợp tác xã trong giai đoạn mới phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội

Nhân kỷ niện 77 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/04), sáng ngày 6/4, tại Hà Nội, Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện tọa đàm “Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”.

Tham dự tọa đàm, có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam... cùng đại diện của các Bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện một số hợp tác xã.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát biểu tại Tọa đàm

Chương trình toạ đàm “Phát triển Kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới” gồm 2 phiên: Phiên 1 có chủ đề: “Nhận thức đúng để có chính sách phù hợp với tổ chức kinh tế tập thể”; Phiên 2: “Luật Hợp tác xã 2012 sửa đổi - Động lực mới cho kinh tế tập thể”.

Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm tới kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã từ rất sớm. Ngày 11/4/1946, trong bộn bề gian khó của những ngày đầu lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp, nhấn mạnh “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác x㔓… hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”.

Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Tọa đàm

Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã, khẳng định đây là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13- NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 (khóa 13) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn,

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Nếu không có hợp tác xã thì vẫn là sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Lúc đó không thể chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không thể tạo ra được sản xuất đa giá trị như Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra”.

Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp đến là Luật Hợp tác xã… khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, có tương đối đồng đều ở các địa phương nhất là các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Đặc biệt, xu hướng hiện nay là ngày càng nhiều lao động trẻ có chuyên môn cao khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã.  Như trong 13 mô hình hợp tác xã hiệu quả ở Đồng bằng sông Cửu Long có đến 10 hợp tác xã có giám đốc là lao động trẻ, vì nhiều lao động trẻ ở Tp. Hồ Chí Minh quay về nông thôn xây dựng mô hình này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh.

Sự huy động nguồn lực của bản thân hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo, nâng cao kiến thức quản lý… đi vào cuộc sống. Người dân trong hợp tác xã thực sự được hưởng thụ thành quả dù số lượng chưa lớn.

Con số thống kê cho thấy, có khoảng 40% sản phẩm OCOP là do các tổ hợp tác, hợp tác xã; 70% sản lượng lương thực là của hợp tác xã; rau củ quả, cây công nghiệp cũng chiếm 40% trở lên, hợp tác xã cũng phát triển mạnh trong vận tải… Điều này cho thấy, mô hình hợp tác xã có thể phát triển ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

“Sản xuất theo chuỗi giá trị, tuần hoàn, sản xuất xanh, đảm bảo bền vững không còn cách nào khác là các hộ cá thể và cả doanh nghiệp phải tham gia vào hợp tác xã. Đây là mô hình tất yếu của trong nước và thế giới’ - Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.

Là thành viên trong Ban soạn thảo sửa đổi Luật Hợp tác xã, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ phải tạo động lực cho hợp tác xã trong giai đoạn mới phù hợp với phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp luật để người dân tự nguyên tham gia, có sự quản trị dân chủ; huy động được nguồn lực của các thành viên hợp tác xã, các chính sách của nhà nước. 

Theo GVC.TS Ninh Đức Hùng, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT – Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay qua khảo sát thực tế cho thấy trình độ quản lý của cán bộ HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng là rất yếu, đặc biệt là đối với HTX chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới theo luật HTX 2012. Vì vậy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX trở nên rất cấp bách, nhiều lãnh đạo HTX đều cao tuổi, trình độ quản lý và điều hành hạn chế. Do vậy, việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này rất quan trọng, đặc biệt là thu hút được lao động trẻ có chuyên môn về làm việc… sẽ tạo thêm sức bật cho các HTX trong giai đoạn tới.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các khách mời cùng nhau trao đổi, làm rõ hơn vai trò của kinh tế tập thể, một động lực quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, trong đó nòng cốt là hợp tác xã; sự cần thiết phải sớm hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý, trọng tâm là sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể và hợp tác xã vững mạnh; bài học phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã trên thế giới và tại Việt Nam.

Quỳnh Trang