• Du lịch Bình Thuận
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hợp tác xã đóng góp còn nhiều hơn thế...
Lượt xem: 347

Đóng góp to lớn của khu vực kinh tế HTX không được thể hiện rõ trên các con số thống kê “khô khốc”, dễ dẫn đến những ngộ nhận, đánh giá khập khiễng nếu so với khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó, nhiều quy định của Luật Hợp tác xã 2012 đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển, đang đòi hỏi cần có hành lang pháp lý mang tính linh hoạt cao hơn cho các HTX.

Nếu nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê được đưa ra mới đây tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, sẽ khiến cho nhiều người dễ ngộ nhận về năng lực hoạt động của khu vực kinh tế HTX.

 “Khô khốc” số liệu thống kê

Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2020, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể (bao gồm HTX, liên hiệp HTX, không bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác) vào GDP của cả nước trung bình chỉ khoảng

Các HTX nông nghiệp đang trông chờ có hành lang pháp lý linh hoạt cao hơn nhằm giúp họ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, số liệu thống kê còn nêu rõ tốc độ tăng trưởng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể có xu hướng giảm từ 4,03% năm 2013 xuống 3,62% năm 2020.

Trong khi đó, bất cập ngay từ dữ liệu thống kê đã được thể hiện rõ khi GDP khu vực kinh tế tập thể hiện nay không tính đến phần đóng góp vào khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Điều đáng nói, số lượng thành viên là cá nhân, hộ gia đình chiếm trên 99% tổng số thành viên HTX bằng 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước.

Và ngay cả việc so sánh đóng góp GDP của khu vực kinh tế tập thể với khu vực kinh tế tư nhân cũng cho thấy không thể tách bạch như vậy.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện được cho là đóng góp khoảng 40% GDP. Nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê hồi năm 2018 thì số lượng các cơ sở kinh doanh thuộc khu vực này (gồm các DN của tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể) là khoảng 700 nghìn DN.

Rõ ràng, con số của khu vực kinh tế tư nhân (nếu cập nhật thêm từ năm 2019 cho đến nay) có thể nhiều gấp 30 lần so với con số HTX, liên hiệp HTX thuộc khu vực kinh tế tập thể. Bởi lẽ, tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có hơn 27.400 HTX.

Cho nên, nếu dựa vào số liệu thống kê rằng khu vực kinh tế tập thể đóng góp chưa được 4% GDP của cả nước rồi cho rằng kém phát triển so với đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân (vốn có số lượng cao gấp 30 lần) là hoàn toàn không công bằng và thoả đáng.

Hoặc có thể đặt ra vấn đề. Như năm 2020 đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể đã giảm chỉ còn là 3,6% so với 8% hồi năm 2001. Nhưng nếu số HTX được nhân lên 30 lần để ngang ngửa với con số của khu vực kinh tế tư nhân thì chưa thể khẳng định được là khu vực nào sẽ đóng góp nhiều hơn vào GDP.

Cần đánh giá chính xác

Nêu ra vài dữ liệu như trên để thấy những con số thống kê “khô khốc” khó phản ánh đúng hết thực trạng hoạt động của khu vực kinh tế tập thể hay khu vực kinh tế tư nhân.

Liên quan tới đánh giá tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX đang có xu hướng giảm, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần thống kê, đánh giá cả giá trị gia tăng của khu vực này do sự liên kết, hợp tác của khu vực HTX chưa được đánh giá.

Liên minh HTX Việt Nam cũng kiến nghị, cần ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với tình hình mới. Bởi vì kinh tế tập thể, HTX là thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn xanh, phát huy tối đa lợi thế của địa phương. 

Theo giới chuyên gia, những đánh giá không chính xác về số liệu thống kê đối với khu vực HTX là điều khó tránh khỏi, nhất là khi dựa trên các hành lang pháp lý hiện hành đã lạc hậu và rất cần tham khảo ở những quốc gia đang phát triển mạnh các HTX. 

Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, về thống kê HTX được đưa ra theo luật đặc biệt so với luật chung. Với 8 luật ngành về HTX, mỗi liên đoàn ngành đưa ra số liệu thống kê và báo cáo cho chính quyền. Về luật chung thì khảo sát 2 năm một lần thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Không chỉ bất cập trong vấn đề thống kê, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có yêu cầu đánh giá chính xác tình hình kinh tế tập thể, HTX, kết quả nào đột phá, những gì còn trì trệ, yếu kém. Từ đó phân tích cơ hội, thách thức với kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ có nhấn mạnh thể chế vướng mắc thì có thể tháo gỡ. Nhất là cần xác định trong bối cảnh mới thì kinh tế tập thể, HTX sẽ phát triển ra sao.

Bàn về thể chế, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn là khung pháp luật, chính sách về HTX còn nhiều rào cản với sự phát triển đối với HTX, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác. 

Riêng về luật Hợp tác xã 2012, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), nhiều quy định của Luật Hợp tác xã hiện nay đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển, nhất là sau khi Luật HTX 2012 được ban hành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung.

Nói về chuyện sửa đổi Luật Hợp tác xã, Ts. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có phát biểu đáng chú ý khi cho rằng thông qua việc sửa đổi này cần tìm kiếm động lực mạnh mẽ hơn để phát triển, không cần có nhiều thành viên mới là HTX mà quan trọng tổ chức theo hướng theo đuổi giá trị của HTX. 

Chờ môi trường pháp lý “thoáng” giúp nâng tầm HTX

Giới phân tích bày tỏ sự tán đồng với ý kiến xác đáng của ông Cung khi chú trọng vào việc nâng giá trị cho khu vực HTX mà ở nhiều quốc gia phát triển mạnh về kinh tế HTX cũng đã và đang làm, với một hành lang pháp lý thật sự thông thoáng, cởi mở.

Như ở Hàn Quốc, hệ thống pháp luật dành cho khu vực HTX gồm luật đặc biệt và luật chung. Vào năm 2013 quốc gia này chỉ có 8 luật đặc biệt dành cho các lĩnh vực HTX (gồm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, tín dụng, tín dụng cộng đồng…). Nhưng sau đó, một đạo luật khung về HTX được ban hành. Từ đó dẫn đến số HTX theo đạo luật này đã bùng nổ từ 54 trong năm 2012 lên 12.540 vào năm 2017.

Hoặc như ở Hà Lan, có tính linh hoạt được đề cao trong thành lập và cơ cấu HTX. Luật cho phép tính linh hoạt cao trong xây dựng điều lệ, được áp dụng cho từng HTX.

Hay như với những thành công trong khu vực kinh tế HTX ở CHLB Đức, theo một chuyên gia của Liên đoàn HTX Raiffeisen CHLB Đức là ông Helmut Pabst, đó là nhờ chính môi trường kinh doanh đã thúc đẩy cho thành công này. Nhất là môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp và tạo ra sân chơi bình đẳng.

Ông Pabst cho biết, một số nguyên tắc thúc đẩy thành công cho các HTX ở nước Đức là ở sự tự quản lý, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, đồng nhất và gắn bó (sử dụng dịch vụ của HTX). Không chỉ vậy, HTX cũng giống như một doanh nghiệp, và dù không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu nhưng phải hoạt động có lãi.

Có thể nói, để tiếp tục tạo nên sự thành công cho khu vực kinh tế tập thể ở Việt Nam trong thời gian tới thì các nhà hoạch định chính sách rất cần chủ động tham khảo nhiều kinh nghiệm quý về hành lang pháp lý ở những quốc gia phát triển mạnh về HTX. 

Nhất là Bộ KH&ĐT, cùng các bộ ngành liên quan và chính quyền ở các địa phương cần nâng cao nhận thức đầy đủ về vai trò của các HTX trong phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh mới nhằm ban hành các khung chính sách thuận lợi, tạo ra hành lang pháp linh hoạt để nâng tầm khu vực HTX. 

Ít nhất là cũng tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa HTX với các doanh nghiệp trong các hành lang pháp lý, tránh lặp lại chuyện “bỏ quên” khu vực HTX trong hoạch định chính sách ở một số trường hợp. 

Và hơn thế nữa, trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì cần quan tâm nhiều hơn cho khu vực HTX vốn đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

                                    Thanh Loan - vnbusiness.vn