Tình hình thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Lượt xem: 951

  Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XIII) về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 xác định nhiệm vụ phát triển các cụm công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai. Năm 2021, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội; ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp.

 Theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.182,8 ha; trong năm, Sở Công Thương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Cụm công nghiệp Nam Hà 3, điều chỉnh tiến độ đầu tư cụm công nghiệp Đông Hà, bổ sung ngành nghề may mặc, sản xuất giày da và túi xách vào cụm công nghiệp Nghị Đức để thu hút dự án đầu tư thứ cấp và triển khai các thủ tục để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập cụm công nghiệp Hồng Liêm, cụm Công nghiệp Tân Lập; lũy kế đến nay, có 28/36 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó 16/36 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp. Hầu hết các địa phương đều có các cụm công nghiệp thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng; trong đó, một số địa phương đã có cụm công nghiệp đảm bảo về mặt bằng để thu hút đầu tư thứ cấp.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Chi đầu tư cụm công nghiệp trong năm 2021 tập trung chủ yếu là chi lập hồ sơ, đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng với giá trị thực hiện đạt khoảng 80 tỷ đồng, cụ thể; cụm công nghiệp Nam Hà 2, Đông Hà, Tân Bình 1, Nghĩa Hòa tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng nhà điều hành, thi công đường giao thông nội bộ, cống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải,…

             Về thu hút dự án đầu tư thứ cấp: Trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp; trong năm 2021, đã thu hút 03 dự án đầu tư: Dự án nhà máy bê tông Nam Hà - cụm công nghiệp Nam Hà 2, diện tích 2 ha, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng; dự án sản xuất nước mắm - cụm công nghiệp Phú Hài, diện tích 0,13 ha, tổng vốn đầu tư 03 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất các loại bóp, ví, cặp, va-li, ba-lô, túi xách dây thắt lưng bằng vải da tại cụm công nghiệp Nghị Đức, diện tích 2 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 46 tỷ đồng; ngoài ra, có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký xin đầu tư thực hiện các dự án: Nhà máy sản xuất chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Hầm Sỏi – Võ Xu (huyện Đức Linh), nhà máy sản xuất ván ép tại Cụm công nghiệp Sùng Nhơn (huyện Đức Linh), nhà máy sản xuất bao bì tại Cụm công nghiệp Lương Sơn (huyện Bắc Bình)… Lũy kế đến nay, có 24 cụm công nghiệp thu hút, bố trí hơn 174 dự án đầu tư với tổng diện tích 272,5 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 8.200 lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, một số cụm công nghiệp được thành lập triển khai đầu tư còn chậm trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư còn kéo dài; hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước,… đến hàng rào cụm còn thiếu và yếu, một số cụm đã được quan tâm đầu tư, nhưng do thiếu vốn nên đầu tư chưa được đồng bộ. Đồng thời, trong năm 2021 dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên thế giới và trong nước nên một số chủ đầu tư hạ tầng cũng gặp khó khăn về tài chính và ảnh hưởng đến thu hút dự án đầu tư thứ cấp.

         Trong tình hình đó, Sở Công Thương đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp tập trung triển khai trong thời gian tới như sau: (1) Tập trung đôn đốc, triển khai đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: Sông Bình, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2, Nam Hà 3, Tân Bình 1, Nghị Đức để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp; (2) Phối hợp các sở, ngành, địa phương làm việc với chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho từng cụm công nghiệp; (3) Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030; (4) Rà soát đối với chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp không đủ năng lực, chậm triển khai dự án theo quy định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét thu hồi chủ trương đầu tư; (5) Đối với các khu vực đã có cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng, Sở Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giới thiệu, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, hạn chế tối đa việc xem xét dự án sản xuất đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện sớm lấp đầy các cụm công nghiệp; (6) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sớm ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang