bannerHome
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
Lượt xem: 760

(binhthuan.gov.vn) Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong; đại diện các Sở, ngành liên quan.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 Bộ, ban, ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh; phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực. Việc phân cấp trong giải quyết TTHC được quan tâm chỉ đạo, từng bước đẩy mạnh theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng. Cả nước hiện có 11.699 bộ phận một cửa các cấp, 57 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng, đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký tăng 2,8 lần so với cùng kỳ; hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện tăng 3 lần cùng kỳ. Hoạt động xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân, cập nhật thường xuyên từ cấp xã, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp hơn 68 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, đánh giá được quan tâm triển khai với việc xây dựng, đưa vào vận hành một số công cụ kỹ thuật số hỗ trợ.

Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận, đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, sâu sắc các nhiệm vụ được triển khai về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua; kết quả đạt được; những việc chưa làm được; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2025, bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, nỗ lực triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp công tác cải cách thủ tục hành chính và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhất là cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành đã góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số...

Để việc cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia.

Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát những khó khăn, vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải để lãnh đạo, thực hiện cho phù hợp, hiệu quả. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu phục vụ và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng cơ quan, đơn vị, qua đó tạo sự thân thiện, gần gũi giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp thấy được những lợi ích thiết thực và tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC. Tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2021-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 468 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẽ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý hồ sơ, giải quyết công việc trên môi trường mạng, tạo sự chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ.

TT Dân

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập