(binhthuan.gov.vn) Công tác giải phóng
mặt bằng 03 tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sắp hoàn thành khi đã đạt
99,4%. Với kết quả này, tỉnh đã sắp bàn giao xong mặt bằng và đang dồn sức tháo
gỡ, cấp phép các mỏ vật liệu phục vụ thi công các tuyến cao tốc qua địa bàn.
Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ
thống đường bộ cao tốc có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã
hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân. Với ý nghĩa
quan trọng này, kể từ khi dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn tỉnh chính
thức khởi công, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa
phương có liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án, trong đó có việc đảm
bảo cung ứng nguồn cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ công trình.

Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn
tỉnh Bình Thuận cần khối lượng 11,7 triệu m3 đất đắp phục vụ thi công nền đường
cao tốc. Đối với đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bản Quản lý dự án Thăng
Long làm chủ đầu tư không gặp vướng mắc về vật liệu đắp đất nền cho dự án.
Riêng đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông vận tải
(Ban 7) cần nhiều nhất khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp.

Ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó Giám đốc
Ban 7 cho biết: “Trong quá trình thực hiện dự án đã xuất hiện nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đến giờ phút này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ
và Bộ Giao thông vận tải tải, dự án vẫn phải hoàn thành đến cuối năm 2022,
không thay đổi mục tiêu đã đề ra. Khó khăn nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới tiến
độ thi công chính là nguồn vật liệu đắp đất, nhu cầu của chúng tôi là 9,2 triệu
m3. Chúng tôi đã chủ động giải quyết được 3,2 triệu m3 tận dụng từ nguồn vật
liệu đã đổ thải và nguồn vật liệu từ các mỏ đã được cấp phép khai thác. Đối với
06 triệu m3 còn lại, hoàn toàn phụ thuộc vào các mỏ sẽ hoàn thành thủ tục cấp
phép khai thác trong tháng 10 và các cụm mỏ chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh
cho phép bổ sung vào quy hoạch và thực hiện theo cơ chế đặc thù sử dụng”.
Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết
số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 cho phép áp dụng “cơ chế đặc thù” giải quyết nhu cầu
các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở Tài
nguyên và Môi trường có văn bản cung cấp số liệu các mỏ vật liệu đắp đất nền
đường sử dụng cho dự án gửi Ban 7 và các nhà thầu thi công để tiếp tục rà soát
các mỏ đề xuất cung cấp vật liệu cấp cho dự án. Trên cơ sở này, Ban 7 đã đề
xuất 21 mỏ phục vụ đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, gồm 10 mỏ với khối lượng đề xuất
sử dụng khoảng 03 triệu m3 (06 mỏ đã đầy đủ thủ tục đang khai thác, 04 mỏ đang
thực hiện các thủ tục) và 11 mỏ chưa cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác đề
xuất cấp mới không qua đấu giá cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù quy định tại
Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác
khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc -
Nam.
Hiện tỉnh đã nâng công suất 03 mỏ vật
liệu theo đề xuất của Ban 7. Trong tháng 10, dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục 05
mỏ mới. Đối với các mỏ bổ sung theo Nghị quyết 60, theo lộ trình sẽ được cấp
phép trong năm 2022.
“Từ đây đến cuối năm, trên cơ sở các
nguồn vật liệu đã và sẽ được cung cấp trong tháng 10, chúng tôi sẽ tập trung lực
lượng hoàn thành thi công các hạng mục cầu, cống và khoảng 35 - 40km ở những
đoạn đường đào, nền đất thấp có nhu cầu ít về đất để thi công lớp móng cấp phối
đá dăm cũng như các kết cấu trên của mặt đường để vừa đảm bảo tiến độ chung của
dự án, vừa đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương”, ông Hoàng Tuấn Khoát cho biết thêm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau
khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP đã tháo gỡ, giảm bớt thủ tục nâng
công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Đối
với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang
tiếp tục hoàn tất thủ tục cấp phép đối với 3 mỏ, dự kiến đưa vào khai thác
trong quý IV/2021. Đối với các mỏ được Ban 7 đề xuất cấp mới không qua đấu giá
cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc và
thống nhất lộ trình giải quyết hoàn tất thủ tục đưa các mỏ vào khai thác trong năm
2022.
Theo quy định tại Nghị định số
158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 thì tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính
liên quan đến cấp phép mỏ là 240 ngày. Tuy vậy, trong thời gian qua, Sở Tài
nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ công cắt giảm
xuống còn 150 ngày. Đồng thời, để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho dự án cao
tốc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận thành lập Tổ
công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp
phép khai thác mỏ.

Để kịp thời tháo gỡ tháo gỡ khó khăn
đối với nguồn cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ công trình cao tốc, chiều
30/9/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng cùng đoàn công
tác của tỉnh đã đến kiểm tra, khảo sát thực tế tại 08 mỏ cung cấp vật liệu xây
dựng thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh đã kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế tại các mỏ đất, đá Núi
Ếch thuộc xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc; mỏ đá núi Dây, mỏ đất núi Cà Tăng
thuộc xã Sông Bình, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình; cụm mỏ đất, đá Chóp Vung, xã
Hàm Kiệm và mỏ đất dăm sạn bồi nền xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng cho biết: “Hiện nay, tỉnh đang cố gắng
đẩy nhanh tiến độ dự án công trình cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Bình
Thuận. Nhìn chung công tác phối hợp giữa Ban 7 và nhà thầu địa phương cơ bản là
thuận lợi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phối hợp cùng với Ban 7 và các địa phương
tích cực triển khai các giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung cấp
vật liệu”.
“Sau chuyến kiểm tra thực tế lần này,
UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo phối hợp với các bên có liên quan tạo mọi điều
kiện, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để kịp thời cấp giấy phép
cho các mỏ, qua đó cung ứng đầy đủ vật liệu cho dự án”, Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh khẳng định.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực
UBND tỉnh cũng lưu ý với Ban 7 cần tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án trọng
điểm, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND
tỉnh cam kết, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư về mọi mặt để tiến độ và
chất lượng công trình trọng điểm quốc gia được đảm bảo, đáp ứng tốt các yêu cầu
đề ra.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua
Bình Thuận được khởi công từ ngày 30/9/2020 gồm có 2 dự án thành phần đoạn Vĩnh
Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, có tổng chiều dài hơn 148km. Đây là
dự án trọng điểm quốc gia, có thời gian thi công gấp rút nên áp lực về tiến độ
rất lớn./.
Hữu Tri