(binhthuan.gov.vn)
Chiều 09/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận do ông Dương Văn An - Bí thư
Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh
để nghe báo cáo tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trung hạn vốn ngân
sách Trung ương trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có ông Tiêu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch
Thường trực HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Phong - Phó
Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Theo Công văn số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021 của Thủ tướng
Chính phủ và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thì tổng nguồn vốn ngân sách Ttung
ương giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là 7.031 tỷ đồng. Tại Quyết định số
2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tổng kế hoạch vốn đầu tư
công trong nước trên địa bàn Bình Thuận năm 2021 là 1.265 tỷ đồng, trong đó, vốn
trong nước là trên 920 tỷ đồng, vốn nước ngoài (dự án ODA) trên 344 tỷ đồng.
Ngay sau khi được Trung ương thông báo kế hoạch vốn
trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư tập trung thực hiện đồng
bộ, quyết liệt các giải pháp; định kỳ hàng tháng, tiến hành rà soát đánh giá tiến
độ thực hiện để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện,
giải ngân kế hoạch vốn được giao, nhất là công trình trọng điểm. Kết quả đến
ngày 30/8/2021, toàn tỉnh đã giải ngân đạt 57,83% so với kế hoạch vốn đã phân
khai chi tiết.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện vẫn còn dự
án giải ngân thấp, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA. Nguyên nhân chủ yếu do diễn
biến phức tạp của đại dịch COVID-19 phải thực hiện giãn cách xã hội, đã tác động
không nhỏ đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Có dự án
phải dừng thi công như Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà-Tân Thiện)
đoạn qua địa bàn thị xã La Gi. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một
số dự án còn chậm; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và một số cơ quan, đơn vị
chưa đồng bộ, chặt chẽ, nhất là việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường giải
phóng mặt bằng, hiệp thương thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân. Bên cạnh đó,
các dự án ODA chậm giải ngân do quy trình lựa chọn nhà thầu, giải ngân vốn nước
ngoài phụ thuộc quy trình của nhà tài trợ.
Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc
hội tỉnh có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội
phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét theo Tờ trình
số 3209/TTr-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh và cân đối bổ sung thêm vốn cho tỉnh
Bình Thuận để triển khai thực hiện dự án này ngoài số vốn đã giao trong kế hoạch
đầu tư công giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí định mức phân bổ vốn. Đồng thời,
báo cáo Chính phủ bổ sung vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho dự án Nâng cấp
mở rộng đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện) với số vốn là 100 tỷ đồng để
thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đưa vào sử
dụng trong năm 2021.

Kết luận buổi làm việc, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, sau khi Trung ương thông báo kế hoạch
vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021, UBND tỉnh đã kịp thời
triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra, đến thời điểm này, hầu hết công
trình đầu tư công trung hạn ngân sách hỗ trợ được UBND tỉnh trình cấp có thẩm
quyền thông qua. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở, ban, ngành,
các địa phương, chủ đầu tư thực hiện quyết liệt các giải pháp triển khai đảm bảo
tiến độ đề ra, do đó việc giải ngân vốn đầu tư công trung hạn năm 2021 đến nay
đã đạt được kết quả khá.
Nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến
phức tạp, để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 95% theo kế hoạch
Trung ương giao, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần nỗ lực
hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, tập trung khắc phục khó khăn từ dịch bệnh
Covid-19, linh hoạt tổ chức các giải pháp phù hợp, đồng thời, tăng cường quản
lý thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhằm đảm bảo các công trình được
thi công đúng tiến độ, không vì lý do dịch bệnh mà làm cho các công trình triển
khai chậm trễ.
Cho rằng việc giải ngân vốn ODA còn rất thấp, Trưởng
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần phải có giải pháp phù hợp để
việc giải ngân vốn ODA tốt hơn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa
phương của tỉnh vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải ngân
vốn đầu tư công; thường xuyên giao ban tiến độ để giải quyết khó khăn vướng mắc,
nhất là các dự án giải phóng mặt bằng; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ
quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ trong từng dự án cụ thể.
Về các kiến nghị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
ghi nhận và cho biết sẽ sớm làm việc với ccc Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.
TT
Dân