Ngày 14/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã
ban hành Kế hoạch về việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh. Việc
ban hành Kế hoạch nhằm tổ chức xét nghiệm rà soát, phát hiện virus SARS-CoV-2
nhanh chóng, kịp thời để đánh giá đúng diễn biến tình hình dịch thực tế; cung cấp
đầy đủ thông tin, số liệu phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của Tỉnh ủy,
UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Đảm bảo an toàn xuyên
suốt quá trình xét nghiệm sàng lọc
Thành phố Phan Thiết đang là địa
phương có số ca mắc gia tăng cao, tính đến sáng 22/8/2021, thành phố đã ghi nhận
281 ca mắc trong cộng đồng. Để triển khai việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 một
cách hiệu quả, dựa trên Kế hoạch của UBND tỉnh, UBND thành phố đã xây dựng Kế
hoạch xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 một cách an toàn, chính xác. Trong bối cảnh
trên địa bàn vẫn còn các ca mắc COVID-19 chưa được sàng lọc, do đó việc đảm bảo
an toàn xuyên suốt quá trình lấy mẫu diện rộng là yêu cầu được đặt ra hàng đầu.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết -
Phan Nguyễn Hoàng Tân cho biết: “Thành phố đã khẩn trương thực hiện Kế hoạch
xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng với số lượng mẫu cần lấy khoảng 150.000 mẫu.
Trước mắt thành phố sẽ tập trung lấy mẫu sàng lọc ở vùng đỏ bao gồm các phường:
Bình Hưng; Hưng Long; Đức Long. Trong 10 ngày thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm
03 lần, đảm bảo bóc tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để phát sinh các
điểm mới. Sau đó, thành phố sẽ triển khai việc xét nghiệm toàn dân ở các vùng
vàng, vùng xanh. Ở các khu vực này, việc lấy mẫu sẽ tiến hành lấy theo đại diện
hộ gia đình. Chúng tôi đang tranh thủ thời gian người dân thực hiện giãn cách
xã hội để hoàn thành việc xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng trước ngày 31/8”.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết nêu
rõ: “Lực lượng y tế tại các điểm lấy mẫu sẽ giám sát, đề nghị người dân khi
tham gia xét nghiệm thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, thực hiện đúng theo hướng
dẫn của nhân viên Y tế tại các điểm lấy mẫu”.
Để vừa đảm bảo tiến độ xét nghiệm sàng
lọc, vừa đảm bảo an toàn cho người dân xuyên suốt quá trình xét nghiệm, thành
phố Phan Thiết đã triển khai xét nghiệm sàng lọc theo hình thức “cuốn chiếu”.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung nhân lực, vật lực hoàn thành từng địa điểm theo
thứ tự, không trải đều ra các địa bàn. Thứ tự ưu tiên sẽ là: Vùng đỏ, vùng cam,
vùng vàng, vùng xanh.

Nhân viên Y tế chuẩn bị lấy mẫu xét
nghiệm sàng lọc tại Trường Tiểu học Bình Hưng
Ghi nhận tại điểm lấy mẫu trong khuôn
viên Trường Tiểu học Bình Hưng thuộc phường Bình Hưng (vùng đỏ), thành phố Phan
Thiết. Các nhân viên thực hiện xét nghiệm đều trang bị phương tiện phòng hộ cá
nhân, dung dịch sát khuẩn tay, bố trí vị trí ngồi cho người dân có khoảng cách
theo quy định. Người dân đến lấy mẫu tuân thủ khá nghiêm túc các biện pháp
phòng dịch.
Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng -
Lê Minh Triết cho biết: “Đây là lần thứ 02 phường Bình Hưng triển khai xét nghiệm
sàng lọc trong cộng đồng. Qua xét nghiệm, chúng tôi đã phát hiện tại khu phố 5
có 04 trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Ngay lập tức, chúng tôi đã cho nới rộng
thêm khu vực phong tỏa tại khu vực nêu trên. Nhìn chung, thời gian qua, người
dân tại phường Bình Hưng thực hiện khá nghiêm túc việc giãn cách theo Chỉ thị
16, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp vi phạm như vượt ống bi, vượt hàng rào
(ống bi, hàng rào được sử dụng làm rào chắn phân định trong khu vực phong tỏa)
ra ngoài với mục đích cá nhân. Đến nay, chúng tôi đã xử phạt hơn 15 trường hợp
và nhắc nhở hơn 30 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch”.
Áp dụng lấy mẫu gộp để nâng cao năng
suất xét nghiệm
Đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng lần
này là chiến dịch xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến, trong đợt này
sẽ tiến hành sàng lọc cho khoảng trên 300.000 người dân là đại diện cho các hộ
gia đình. Riêng đối với khu vực có nguy cơ cao sẽ được xét nghiệm toàn dân bằng
phương pháp RT-PCR. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi sự vào cuộc của
toàn ngành Y tế, bao gồm cả các phòng xét nghiệm của các địa phương, cán bộ các
Trung tâm Y tế tuyến huyện, tuyến xã.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật
tỉnh - Đinh Thế Hùng cho biết: “Số lượng mẫu trong đợt xét nghiệm sàng lọc này
lớn, thời gian trong vòng 10-15 ngày để đánh giá kịp thời tình hình dịch, từ đó
phân lập ra các vùng nguy cơ. Tương ứng với mỗi vùng sẽ có biện pháp ngăn chặn
phù hợp. Với số lượng công việc như thế, chúng tôi dự kiến số lượng mẫu sẽ được
xét nghiệm trong ngày lên đến 3.000-5.000 mẫu. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ,
chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu gộp 10 (10 mẫu được gộp chung vào một ống nghiệm)
với cách làm này, năng xuất xét nghiệm sẽ được nâng lên 30.000 – 50.000 mẫu/ngày”.

Đội ngũ nhập liệu tại Trung tâm kiểm
soát bệnh tật
Để thực hiện được mục tiêu này, thời
gian qua tỉnh Bình Thuận đã quan tâm đầu tư, huy động từ nhiều nguồn, trong đó
có nguồn xã hội hóa để trang bị thêm cho tỉnh nhà các máy xét nghiệm RT-PCR. Đồng
thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ
xét nghiệm viên. Tính đến thời điểm này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã
huy động được 22 xét nghiệm viên, 20 người hỗ trợ cho đội ngũ xét nghiệm. Riêng
bộ phận nhập liệu, đã huy động được 38 người, đây đều là các chuyên viên từ các
sở, ban, ngành trong toàn tỉnh. Với đội ngũ nhân lực đầy đủ và việc áp dụng
phương pháp lấy mẫu gộp để nâng cao năng suất. Dự kiến, Kế hoạch xét nghiệm
sàng lọc của tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện theo đúng lịch trình đề ra.
“Phương pháp lấy mẫu gộp đã được áp dụng
trong nhiều xét nghiệm trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, phương pháp xét nghiệm
gộp nhiều người đã được thực hiện tại Đà Nẵng. Sau đó được áp dụng tại Bắc
Giang, Hải Dương, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Xét nghiệm gộp là biện
pháp hết sức hiệu quả để nâng cao năng suất xét nghiệm và giảm chi phí về vật
tư, hóa chất tiêu hao. Lấy ví dụ: 01 mẫu xét nghiệm RT-PCR có chi phí khoảng 700.000
đến 800.000 đồng. Do đó nếu, chúng ta không thực hiện xét nghiệm mẫu gộp thì
kinh phí sẽ tăng vọt rất cao. Về phương pháp thực hiện, việc lấy mẫu gộp được
thực hiện như lấy mẫu đơn. Nếu kết quả mẫu gộp dương tính, chúng tôi sẽ tiến
hành xét nghiệm lần lượt đối với từng người trong nhóm này để tìm ra trường hợp
nghi nhiễm”, ông Đinh Thế Hùng giải thích thêm về việc thực hiện mẫu gộp.

Cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine
lớn nhất trong lịch sử, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến
nay trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tỉnh Bình Thuận đang quyết
tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch xét nghiệm sàng lọc diện rộng để đạt được mục
tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt
để F1, khoanh vùng, giảm vùng đỏ, không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm
an toàn, giữ vững vùng xanh hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh./.
Hữu Tri