bannerHome
Thảo luận thông qua Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Lượt xem: 277

(binhthuan.gov.vn) Sáng 18/8, ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XI đã thảo luận thông qua Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. 

Nghị quyết  Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm khảo sát đánh giá thực trạng nhà ở, dự báo nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng, xây dựng mục tiêu phát triển nhà ở, ̣xây dựng hệ thống giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững cho công tác phát triển nhà ở; đồng thời, làm cơ sở để quản lý công tác phát triển nhà ở, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở và triển khai thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về nhà ở, phù hợp Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Mục tiêu phát triển đến năm 2025, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025 là 6,7 triệu m² sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà ở của tỉnh ước đạt 34,6 triệu m2 vào năm 2025; trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội tăng thêm là 595.000 m2 sàn. Nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2025 của toàn tỉnh là 27,0 m²/người; trong đó diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực thành thị là 27,7 m2/người, diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực nông thôn là 26,4 m2/người.

Đến năm 2030, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm giai đoạn 2026 - 2030 là 5,2 triệu m² sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà ở của tỉnh ước đạt 39,7 triệu m2 sàn vào năm 2030; trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội tăng thêm là 401.000 m2 sàn. Nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2030 của toàn tỉnh là 30,0 m²/người; trong đó diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực thành thị là 31,0 m2/người, diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực nông thôn là 29,0 m2/người.

Trong giai đoạn từ nay đến 2030, diện tích sàn nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tỷ trọng nhà chung cư ngày càng tăng. Sàn nhà ở thương mại tăng 2,0 triệu m2 sàn (trong đó nhà chung cư khoảng 700.000 m2 sàn). Đồng thời, dự kiến xây dựng tăng thêm 996.000 m2 sàn nhà ở xã hội, 810.000 m2 sàn nhà ở tái định cư, 15.000 m2 sàn nhà ở công vụ, nhà ở do dân tự xây ngoài phạm vi dự án khoảng 8,0 triệu m2 sàn.

Về nhu cầu nguồn vốn cần thiết để xây dựng nhà ở đến năm 2030 khoảng 66.461 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 khoảng 37.468 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư nhà ở từ ngân sách nhà nước ước tính 1.370 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 28.993 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư nhà ở từ ngân sách nhà nước ước tính 834 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.

Sau khi nghe Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra về các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp. Các đại biểu cho rằng nâng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư nhà ở công vụ cao hơn để việc bố trí nhà ở các cán bộ luân chuyển điều động để thực hiện công tác thuận lợi hơn; đại biểu cũng cho rằng phần quan điểm trong Nghị quyết đưa ra còn dài, cần phải viết gọn hơn để tránh trùng lắp; việc phát triển nhà ở phải gắn với việc giải quyết vấn đề môi trường và vấn đề xã hội. Liên quan đến định hướng phát triển cần khuyến khích các người dân và doanh nghiệp phát triển….

Trên cơ sở phân tích, thảo luận các tờ trình của UBND tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, 100% đại biểu HĐND dự Kỳ họp đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Cũng tại phiên làm việc sáng nay, HĐND tỉnh cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù cho các huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh đang tập trung tập huấn, thi đấu; Bãi bỏ 5 Nghị quyết quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành. Xem xét thông qua các Tờ trình kèm dự thảo Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh về: Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND tỉnh; Thành lập Đoàn giám sát về công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.

Trước đó, chiều 17/8, kỳ họp đã thông qua các Nghị quyết liên đến chế độ, chính sách như: Quy định về chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố và số lượng, chế độ đối với người tham gia công việc ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh; Quy định chế độ trợ cấp cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết về đầu tư các công trình đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn từ Km16+330 đến Km21+430), thành phố Phan Thiết; chủ trương đầu tư Dự án Hoàn chỉnh hệ thống kênh hồ chứa nước Sông Móng; chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống cấp nước xã Tân Lập; chủ trương đầu tư Dự án Trường mầm non Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết; chủ trương đầu tư Dự án Trường THCS Nguyễn Thông, thành phố Phan Thiết; chủ trương đầu tư Dự án Hoàn chỉnh khu tưới hệ thống thủy lợi Tà Pao; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhựa hóa thị trấn Ma Lâm giai đoạn 2, huyện Hàm Thuận Bắc…

Việc thông qua các Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn thực tiễn, thực hiện xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo điều hành thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

TT Dân

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập