(binhthuan.gov.vn)
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp. Đã có 29
tỉnh, thành phố phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Để ứng phó với dịch bệnh,
không để dịch quay trở lại, bên cạnh sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính
trị, đòi hỏi tỉnh Bình Thuận phải có những biện pháp khoa học, phù hợp, chủ động
áp chế dịch bệnh.
Trong thời gian qua,
tỉnh Bình Thuận đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ứng phó với dịch bệnh.
Tùy từng tình huống dịch trong nước, địa phương sẽ có những chính sách ứng phó
với dịch phù hợp. Ông Đinh Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh
cho biết: Trước làn sóng dịch COVID-19
trở lại với 29 tỉnh, thành phố có ca mắc, Bình Thuận đang khẩn trương giám sát,
cách ly, xét nghiệm tất cả các trường hợp về từ các tỉnh có dịch, người tiếp
xúc bệnh nhân - F1. Đến nay, các trường hợp trên đều âm tính với COVID-19. Vì
thế, Bình Thuận chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào nhiễm COVID-19 trong cộng
đồng, ngoài trừ 01 ca nhiễm là chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, được cách ly
theo quy trình an toàn.

Ông Đinh Thế Hùng –
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
So với các tỉnh khác,
Bình Thuận có nguy cơ lây nhiễm thấp. Lý giải cho điều này, ông Đinh Thế Hùng
cho rằng là do là điều kiện địa lý, đa phần các tỉnh ghi nhận ca mắc COVID-19 mới
hầu hết nằm ở các tỉnh phía Bắc có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến các trường
hợp chuyên gia, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương... Trong khi đó, chưa
có trường hợp người dân Bình Thuận khám bệnh, điều trị tại 2 bệnh viện này. Sự
giao lưu tiếp xúc giữa người dân Bình Thuận với người dân các tỉnh phía Bắc
tương đối ít.
Mặc dù nguy cơ thấp, chưa
phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng UBND tỉnh không hề chủ quan. Thời
gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo xuyên suốt triển
khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và nâng mức báo động lên một mức
cao. Ngành Y tế tỉnh đang thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách khẩn
trương, nghiêm túc, không chủ quan.
Phòng chống lây nhiễm
chéo tại bệnh viện
Bệnh viện là là nơi
có tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch, đây là nhận định của ông Đinh Thế Hùng. Cụ
thể, ông cho biết: Qua theo dõi, các ca bệnh trong cộng đồng hầu như không có
triệu chứng. Tỷ lệ người mắc không có triệu chứng khá cao, rất khó phát hiện.
Tuy nhiên, trong số các ca không có triệu chứng, ắt hẳn sẽ có ca có triệu chứng
đến bệnh viện khám. Nếu giám sát kịp thời, tổ chức xét nghiệm thường xuyên cho
những người có triệu chứng hô hấp đi vào bệnh viện, thì bệnh viện sẽ kịp thời
phát hiện ngay những ca nhiễm. Từ điểm chỉ của ca có triệu chứng quay ngược lại
ca trong cộng đồng và khoanh vùng, giám sát.
“Nếu khâu phân luồng,
giám sát, xét nghiệm bị lọt với trường hợp có triệu chứng nhẹ, thì bệnh viện có
nguy cơ trở thành ổ dịch. Một khi trở thành ổ dịch ở bệnh viện, thì độ lây lan
sẽ nhanh, dễ bắt nhịp vì mức độ tiếp xúc gần cao. Tiếp đó, sức khỏe và hệ miễn
dịch của bệnh nhân kém thì độ lây lan cũng dễ, nguy cơ tử vong cao với bệnh
nhân nặng không may mắc bệnh. Mặc khác, bệnh viện là nơi mà bệnh nhân, người
nuôi bệnh đến từ nhiều nơi thì sẽ mang mầm bệnh lan tỏa nhiều nơi. Nghĩa là, các
trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng sẽ lây vào bệnh viện, từ bệnh viện lại lây
ra cộng đồng”, ông Đinh Thế Hùng cho biết thêm.
“Hơn thế nữa, bệnh viện
phải đóng cửa cách ly khi là ổ dịch, lực lượng cán bộ, nhân viên y tế tại chỗ
có nguy cơ bị nhiễm. Điều này làm việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người
dân sẽ giảm. Vì vậy, ngành Y tế tỉnh đặt trọng tâm cố gắng không để dịch bệnh
vào đến bệnh viện. Nếu dịch có vào bệnh viện phải được phát hiện sớm, tránh dịch
lan ra địa bàn khác, gây tình trạng khó kiểm soát”, ông Đinh Thế Hùng nhấn mạnh
Tập trung khống chế
nguồn lây

Các bác sĩ đang lấy mẫy
xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Theo số liệu từ Trung
tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến cuối tháng 4, Trung tâm đã lấy mẫu ngẫu
nhiên, giám sát một số huyện gồm Hàm Tân, La Gi, Tánh Linh với 600 mẫu kết quả
âm tính với COVID-19. Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện tại, Bình Thuận không
có tiềm ẩn bệnh này trong cộng đồng. Tuy nhiên, mối nguy cơ lây từ ngoài tỉnh
vào trong tỉnh rất cao. Để giám sát nguồn lây, Bình Thuận đã thành lập “Tổ
COVID cộng đồng” để tuyên truyền vận động, giám sát các trường hợp đi đến từ
nơi có dịch về tỉnh. Khi giám sát tốt các nguồn nguy cơ lây nhiễm ngoại lai
này, dịch bệnh tại tỉnh được khống chế.
Trong thời gian tới,
ngành Y tế sẽ đẩy mạnh xét nghiệm ngẫu nhiên. Đây là xu thế mới, chuyển từ thế
bị động sang thế chủ động tấn công để giám sát bệnh, ngừa dịch bệnh xảy ra,
không để phát hiện ca bệnh rồi mới chống dịch. Các trung tâm y tế thực hiện
giám sát lấy mẫu, xét nghiệm tại các nhà ga, nơi tập trung đông người như quán
nhậu, quán ăn... Từ đó, ngành y tế tỉnh sẽ sớm phát hiện ca bệnh trong cộng đồng,
khống chế sớm hơn nếu có; tránh dịch bệnh âm ỉ trong cộng đồng lây lan qua nhiều
vòng.
Thêm vào đó, ngành Y
tế tỉnh kêu gọi người dân cùng chung tay phát giác các trường hợp nhập cảnh
trái phép, đi về từ vùng dịch; tự giác khai báo y tế; đặc biệt, thực hiện thông
điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế )
của Bộ Y tế./.
Hữu Tri