bannerHome
Bình Thuận đẩy mạnh phát triển sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
Lượt xem: 2760

(binhthuan.gov.vn) Thời gian qua, việc sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người trồng thanh long ở Bình Thuận tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Đồng thời, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, nhất là đã mở ra hướng đi bền vững cho trái thanh long vào thời điểm được mùa - rớt giá.

Sản xuất thanh long VietGAP giá cả vẫn ổn định mặc dù thị trường bị biến động

Thanh long Bình Thuận hiện có tổng diện tích hơn 30.000 ha. Trái thanh long trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị xuất cao của tỉnh. Từ năm 2009, các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP theo chỉ đạo của UBND tỉnh, qua đó đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia và hình thành được nhiều tổ hợp tác, nhóm liên kết và trang trại trên địa bàn tỉnh. Chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP đã từng bước đi vào thực chất hơn, làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay.

Tính đến ngày 15/3/2020, toàn tỉnh có 10.165,7 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; trong đó, Hàm Thuận Nam 6.269,1 ha; Hàm Thuận Bắc 3.077,7 ha; Bắc Bình 482,7 ha; Phan Thiết 89,8 ha; La Gi 152,1 ha; Hàm Tân 58,8 ha; Tuy Phong 35,4 ha. Tuy nhiên, nếu so với diện tích thanh long toàn tỉnh hiện có hơn 30.000 ha, thì con số thanh long VietGAP như vậy là còn quá ít.

Ngay từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm biến động thị trường tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh, giá thanh long xuống dốc đột ngột, cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Trong khi đó, phần lớn thanh long Bình Thuận được trao đổi, mua bán với đối tác thông qua hình thức biên mậu, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và người trồng thanh long rất khó khăn trong tiêu thụ trái thanh long tươi.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù trải qua nhiều đợt thanh long rớt giá mạnh, hàng tấn trái không có người mua nhưng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn được tiêu thụ, xuất khẩu chính ngạch bình thường với giá cả ổn định khiến nhiều hộ nông dân cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm bền vững hơn. 

Cách làm bền vững hơn

Với mục tiêu nâng cao chất lượng chứng nhận trong sản xuất, sơ chế thanh long trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời phấn đấu năm 2020, toàn tỉnh có 10.200 ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, chỉ tiêu phấn đấu là 10.400 ha. Trong đó, diện tích đánh giá tái cấp chứng nhận VietGAP trong năm là 1.874,62 ha và cấp mới là 300 ha; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020.

Theo nội dung kế hoạch, với diện tích đã phân bổ, các địa phương sẽ tiến hành vận động, hướng dẫn giúp nông dân tổ chức xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này. Cụ thể: Đối với diện tích thanh long đã được chứng nhận VietGAP, các địa phương cần tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung hướng dẫn để giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất theo đúng yêu cầu VietGAP; thực hiện các thủ tục đăng ký tái cấp chứng nhận đúng thời gian quy định.

Đối với diện tích thanh long đăng ký mới năm 2020, phải tổ chức thực hiện việc lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm cho tất cả các diện tích đăng ký chứng nhận sản xuất theo yêu cầu VietGAP; đồng thời triển khai tập huấn chuyên đề cho tất cả tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký sản xuất thanh long theo VietGAP, từ quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và an toàn lao động, đến  thống nhất thực hiện quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất thanh long theo VietGAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đoàn thể và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chuyên môn triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để đạt được mục tiêu đề ra, góp phần giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận.…

TT Dân

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập